Chuyển đổi số 24/10/2024 14:31 PM

Blockchain được ứng dụng trong các lĩnh vực gì? Chiến lược quốc gia về phát triển blockchain trong tương lai mới được ban hành?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/10/2024 14:31 PM

Blockchain được ứng dụng trong các lĩnh vực gì? Chiến lược quốc gia về phát triển blockchain trong tương lai mới được ban hành?

Blockchain được ứng dụng trong các lĩnh vực gì?

Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ vào đó, thông tin cũ trong công nghệ Blockchain không bị mất đi.

Blockchain đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm:

- Tiền điện tử: Đây là ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain, mà Bitcoin là ví dụ nổi tiếng nhất.

- Hợp đồng thông minh: Blockchain cho phép tạo và thực thi các hợp đồng tự động, minh bạch và không thể thay đổi. Vì vậy, công nghệ này đang được ứng dụng nhiều trong các hệ thống tài chính lớn, tổ chức bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.

- Quản lý chuỗi cung ứng: Blockchain giúp theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng một cách chính xác và minh bạch, từ nguồn gốc sản phẩm đến quá trình phân phối. Một số công ty như Walmart, Pfizer, AIG, Siemens và Unilever cũng đang thử nghiệm Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.

- Bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư: Blockchain cũng được ứng dụng trong việc lưu trữ và bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn gian lận và tăng cường bảo mật thông tin.

- Y tế: Blockchain thậm chí còn có thể được sử dụng để lưu trữ và quản lý hồ sơ y tế, giúp việc chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan trở nên an toàn và hiệu quả hơn.

Blockchain được ứng dụng trong các lĩnh vực gì?

Blockchain được ứng dụng trong các lĩnh vực gì? (Hình từ internet)

Chiến lược quốc gia về phát triển blockchain trong tương lai mới được ban hành?

Tại Quyết định 1236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/10/2024, theo đó đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối (blockchain); đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra một số mục tiêu phát triển Blockchain tại Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

* Mục tiêu tổng quát:

Tận dụng thế mạnh của công nghệ chuỗi khỏi, phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thiện dần các quy định, hành lang pháp lý, tạo lập môi trường cạnh tranh, hình thành nên hệ sinh thái các doanh nghiệp có năng lực vươn ra toàn cầu; đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới trong ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối.

* Mục tiêu đến năm 2025

- Thiết lập nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối

+ Hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phục vụ các hoạt động phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì các ứng dụng chuỗi khối; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối;

Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại 03 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia;

+ Xây dựng và nâng cấp được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ chuỗi khối; công nghệ chuỗi khối được đưa vào khung chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu.

- Thúc đẩy, tăng cường ứng dụng công nghệ chuỗi khối

+ Lựa chọn, hình thành tối thiểu 01 trung tâm/đặc khu/địa bàn thử nghiệm về chuỗi khối để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối; ưu tiên triển khai tại các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai về mạng lưới chuỗi khối của địa phương;

+ Hình thành hệ sinh thái "Blockchain+" thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.

* Mục tiêu đến năm 2030

- Củng cố và mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước; ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam.

- Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển chuỗi khối.

- Xây dựng được 20 thương hiệu Blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực.

- Duy trì vận hành tối thiểu 03 trung tâm đặc khu thử nghiệm về công nghệ chuỗi khối tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối.

- Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 Cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á

Xem thêm Quyết định 1236/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 22/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 568

Bài viết về

lĩnh vực Khoa học công nghệ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]