Xóa giấy phép ‘hành’ DN: 1/7 không phải hạn cuối cùng

30/06/2016 18:22 PM

Trước 1/7, các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành, nhưng 1/7 không phải là thời hạn cuối cùng cho việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp.

Hiện cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức hồi hộp trông đợi Chính phủ sẽ ban hành hàng loạt các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh để kịp thời điểm 1/7/2016. Từ thời điểm này, theo quy định của Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh được quy định tại cấp thông tư sẽ hết hiệu lực.

Sở dĩ Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước ngày 1/7 là do nếu không kịp ban hành các nghị định này trong khi các thông tư hết hiệu lực, thì sẽ xuất hiện “khoảng trống pháp lý”. Cụ thể hơn, các điều kiện kinh doanh được đặt ra với một số ngành nghề mà nếu không có các điều kiện ấy thì việc kinh doanh có thể ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều kiện kinh doanh chính là rào cản để ngăn ngừa những hành vi xâm phạm các giá trị này và sẽ rất nguy hiểm trong nhiều trường hợp không có quy định về điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, trong khi nhằm ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, thì điều kiện kinh doanh cũng có thể cản trở, gây khó khăn cho cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, yêu cầu của Chính phủ và của cộng đồng doanh nghiệp là phải cắt giảm các điều kiện kinh doanh, các điều kiện kinh doanh chỉ được đặt ra khi thực sự cần thiết, phải minh bạch, rõ ràng và phải hợp lý, dễ thực hiện.

Cũng dễ hiểu khi cộng đồng doanh nghiệp lo ngại quá trình xây dựng các dự thảo nghị định có thể để “lọt” các điều kiện kinh doanh nói trên. Thực tế, các dự thảo được các bộ ngành xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi khối lượng công việc rất đồ sộ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm các cơ quan thẩm định, thẩm tra, phản biện như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rất nhiều điều kiện kinh doanh "không minh bạch", "không cần thiết", "không hợp lý" đã được loại bỏ.

Chính phủ đã dành riêng một phiên họp chuyên đề cho ý kiến vào các dự thảo nghị định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu Văn phòng Chính phủ liên tục làm việc với các bộ ngành, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia về các dự thảo này.

Theo đánh giá của VCCI, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, VCCI được trực tiếp trình bày, phản biện với tất cả các bộ ngành và một phần lớn các kiến nghị của doanh nghiệp đã được tiếp thu với tinh thần rất cởi mở. Qua đó, tháo gỡ được rất nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả của đợt rà soát này không dừng lại ở đó. Những thông điệp của Chính phủ về Chính phủ kiến tạo, về cải cách thể chế, về cải thiện môi trường kinh doanh, như quản lý phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, theo các thông lệ quốc tế… đã được thể hiện nhất quán, xuyên suốt và quyết liệt trong quá trình rà soát các nghị định về điều kiện kinh doanh. Nhờ vậy, qua cuộc rà soát, đã có bước tiến lớn về nhận thức của các bộ ngành, địa phương, của các cơ quan quản lý điều kiện kinh doanh nói riêng và về thể chế kinh tế thị trường nói chung.

Hơn thế nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, kể cả sau thời điểm 1/7, khi các nghị định đã được ban hành, các bộ, ngành cần tiếp tục thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá, tiếp thu ý kiến của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, cắt giảm kịp thời các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý “hành” doanh nghiệp.

Tinh thần “cải cách không ngừng” đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh suốt từ khi nhậm chức. Mới đây, trước phản ánh về những vướng mắc trong các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng đã yêu cầu phải khẩn trương đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo tinh thần “một luật sửa nhiều luật”, đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, của doanh nghiệp.

Cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, cũng như cải cách thể chế, là việc rất khó khăn, phức tạp, có nhiều vấn đề hóc búa, nhưng như Thủ tướng đã nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, các cơ quan quản lý phải tập trung giải quyết. Công việc này không thể dừng lại sau thời điểm 1/7 và đó cũng là điều mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.  

Hà Chính

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,613

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]