Đào tạo đại lý bảo hiểm không phải điều kiện kinh doanh của một ngành nghề riêng biệt. Ảnh: internet.
Ngành nghề thứ nhất là: “Kinh doanh dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa” (số thứ tự 32 trong Danh mục). Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, để được cung cấp dịch vụ này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Cụ thể: Doanh nghiệp phải là doanh nghiệp kiểm toán, công ty chứng khoán, công ty thẩm định giá có chức năng định giá, có quy trình nghiệp vụ xác định giá trị doanh nghiệp, có 5 năm kinh nghiệm hoạt động, có tối thiểu 3 thẩm định viên về giá, không vi phạm các quy định pháp luật của ngành nghề kinh doanh trong 5 năm liền trước năm đăng ký thực hiện.
Về bản chất, những điều kiện này là tiêu chí do chủ sở hữu Nhà nước đặt ra để lựa chọn đối tượng được thực hiện dịch vụ xác định giá trị đối với tài sản của mình, không phải là điều kiện theo yêu cầu quản lý Nhà nước đối với một ngành nghề riêng biệt.
Quy định này không đặt ra một ngành nghề kinh doanh mới, vì doanh nghiệp thực hiện định giá được lựa chọn trong số công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá, công ty kiểm toán có chức năng định giá.
Ngành nghề thứ hai được Bộ Tài chính đề nghị bỏ là “Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm” (số thứ tự 30 trong Danh mục).
Theo cơ quan này, đào tạo đại lý bảo hiểm là hoạt động được thực hiện bởi các cơ sở giáo dục (trường, trung tâm đào tạo đã được thành lập) đáp ứng được các yêu cầu bao gồm: Có chương trình đào tạo phù hợp; cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm có kiến thức chuyên môn về bảo hiểm, pháp luật và kỹ năng sư phạm; có cơ sở vật chất đảm bảo cho việc đào tạo.
Các yêu cầu trên đây thực chất là quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không phải điều kiện kinh doanh của một ngành nghề riêng biệt.
H.Vân
Theo Báo Hải quan