Chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ ngày 1/2/2021, dự kiến trong ngày hôm nay, Chính phủ Anh sẽ công bố các tài liệu đánh giá về các lợi ích sẽ đạt được khi là thành viên của CPTPP.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Tư cách thành viên CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ. Đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh".
Với CPTPP, Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà London đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP.
Theo thông cáo của Bộ Thương mại quốc tế, CPTPP sẽ mở ra thị trường mới cho các ngành dịch vụ của Anh, giảm thuế quan đối với hàng hóa như ô tô và rượu whisky, đồng thời tạo cơ hội mới cho nông dân Anh. Bộ này ước tính xuất khẩu của Anh sang các quốc gia thành viên CPTPP dự kiến tăng hơn 51 tỷ USD, tương đương 65%, vào năm 2030.
"Tham gia CPTPP sẽ đưa Anh đến với một số nền kinh tế lớn nhất hiện tại và tương lai, với dân số 500 triệu người và tổng GDP 9.000 tỷ bảng (12.500 tỷ USD) trong năm 2019", thông cáo nêu rõ.
Kể từ khi rời EU khiến hoạt động thương mại với những đối tác lớn nhất giảm sút, Anh tích cực đẩy mạnh tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới. Bên cạnh việc đàm phán gia nhập CPTPP, Anh cũng đang đàm phán các thỏa thuận song phương với Australia, New Zealand và Mỹ. Tuy vậy, thỏa thuận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự báo sẽ chưa thể đạt được trong ngắn hạn. Hiện tại, Anh đã có thỏa thuận thương mại với 7 quốc gia thành viên của CPTPP.
An Bình