1. Các chính sách dành cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như:
- Được ưu đãi về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế…
- Tham gia chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
- Hỗ trợ đầu tư bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận học sinh phổ thông dân tộc nội trú khi ra trường vào học nghề.
- Hỗ trợ phát triển đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật còn được hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; được giao đất, cho thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học của người khuyết tật.
Các ưu đãi theo luật này sẽ được áp dụng từ ngày 01/07/2015.
2. Quy trình thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo Nghị định 48/2015/NĐ-CP thì quy trình cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như sau:
- Việc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo quy trình sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
+ Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Việc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác với tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở chính của những cơ sở này thực hiện theo quy trình sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
+ Quyết định cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Việc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cùng một tỉnh, thành phố thực hiện theo quy trình sau đây:
+ Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp;
+ Quyết định cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2015.
3. Tăng mức trợ cấp với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ
Từ ngày 01/01/2015, tăng 8% mức hưởng trợ cấp hàng tháng với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân và công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư liên tịch 40/2015/TTLT-BQP-BTC(có hiệu lực từ ngày 15/07/2015).
Cụ thể mức điều chỉnh sau khi tăng như sau:
- Từ đủ 15 đến dưới 16 năm công tác: 1.385.000 đồng/tháng
- Từ đủ 16 đến dưới 17 năm công tác: 1.455.000 đồng/tháng
- Từ đủ 17 đến dưới 18 năm công tác: 1.524.000 đồng/tháng
- Từ đủ 18 đến dưới 19 năm công tác: 1.593.000 đồng/tháng
- Từ đủ 19 đến dưới 20 năm công tác: 1.662.000 đồng/tháng.
Các đối tượng trên được quy định cụ thể tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, 38/2010/QĐ-TTg và 62/2011/QĐ-TTg.
4. Tăng bồi dưỡng biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
Đó là nội dung tại Quyết định 14/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 05/7/2015, cụ thể, sẽ tăng mức bồi dưỡng biểu diễn với những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như sau:
- 200.000 đồng/buổi diễn với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu (tăng 150.000 đồng so với trước).
- 160.000 đồng/buổi diễn với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, ánh sáng (tăng 110.000 đồng so với trước).
- 120.000 đồng/buổi diễn với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc (tăng 100.000 đồng so với trước).
- 80.000 đồng/buổi diễn với nhân viên hậu đài, hóa trang, phục trang, đạo cụ, phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.
Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng cao nhất.
Thanh Hữu