Pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi sản xuất, buôn bán hàng giả - Ảnh minh họ |
Về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đề xuất bổ sung TNHS của pháp nhân (các điều 2, 3, 6, 8 và các điều thuộc Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân phạm tội).
Về vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định của dự thảo và cho rằng, việc quy định diện các loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự phải tương đối bao quát đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân gây thiệt hại cho kinh tế, môi trường và tính mạng, sức khỏe của con người.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị đây là vấn đề mới, nên trước mắt, chỉ nên tập trung xử lý hình sự các hành vi do pháp nhân thực hiện xảy ra tương đối phổ biến và thật sự gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể là 15 tội, gồm: buôn lậu (Điều 190); trốn thuế (Điều 204); cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 213); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 214); thao túng giá thị trường chứng khoán (Điều 215); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 221); gây ô nhiễm môi trường (Điều 231); vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 232); đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236); huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 239); huỷ hoại rừng (Điều 240); tài trợ khủng bố (Điều 313); rửa tiền (Điều 336); nhận hối lộ (Điều 367); đưa hối lộ (Điều 377).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại đây.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ