Chống tra tấn bằng cách nào?

28/07/2015 08:10 AM

Tại hội thảo do Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại Đà Nẵng, phát biểu của nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt đã gây chú ý khi đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn tra tấn.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) có bốn tội danh liên quan đến tra tấn là tội dùng nhục hình; tội bức cung; tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Một loạt biện pháp

Tại hội thảo do Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại Đà Nẵng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt phát biểu để đảm bảo đúng tinh thần Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên thì việc giáo dục, tuyên truyền nghiêm cấm hành động tra tấn phải được đưa vào chương trình đào tạo người thực thi pháp luật, người liên quan đến việc giam giữ, thẩm vấn, đối xử với người bị bắt.

Cạnh đó phải lắp đặt hệ thống các thiết bị ghi âm, ghi hình tại các đồn cảnh sát nơi tiến hành thẩm vấn. Ngoài ra, cũng cần đào tạo cảnh sát về kỹ thuật thẩm vấn hiện đại để lấy lời khai mà không cần hành hạ. Đặc biệt, hệ thống pháp luật phải quy định rõ không cho phép sử dụng các chứng cứ thu được bằng cách tra tấn hoặc hành hạ để chống lại nghi phạm.

Cũng theo ông Việt, yêu cầu của Công ước Chống tra tấn là phải có quy định nguyên tắc “trách nhiệm chỉ huy” để phạt chỉ huy cấp trên nếu biết nhân viên cấp dưới tra tấn nghi phạm. Ở chiều ngược lại, theo quy định của công ước thì “mệnh lệnh của quan chức của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn”. Như vậy, không thể xem việc nhân viên cấp dưới chấp hành mệnh lệnh tra tấn của người chỉ huy hoặc cấp trên là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Năm cựu công an ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị xét xử về tội dùng nhục hình vì đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Ảnh: T.LỘC

Song song đó, người bị tra tấn có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền và khiếu nại đó phải được xem xét một cách khẩn trương, khách quan. Phải đảm bảo người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ khỏi ngược đãi hay hăm dọa, trả thù. Kèm theo đó, hệ thống pháp luật phải có quy định nạn nhân của hành động tra tấn được cứu chữa và có quyền được bồi thường công bằng, thỏa đáng. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn thì những người phụ thuộc vào người đó có quyền được hưởng bồi thường… “Nên chăng trong việc thành lập đơn vị thực thi pháp luật độc lập để điều tra các cáo buộc về tra tấn và các tố cáo đối với cảnh sát” - ông Việt đề xuất thêm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên góp ý: Để giảm thiểu tình trạng tra tấn nghi phạm thì việc đảm bảo cho luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho nghi phạm ngay từ đầu cũng là một biện pháp rất cần thiết.

Bức cung khác dùng nhục hình

Bên cạnh đó, ông Việt đưa ra đề xuất nên gộp hai tội danh bức cung và dùng nhục hình vào một tội danh bởi hai tội này trùng lặp nhau và khung hình phạt cũng không khác gì nhau. Trong trường hợp luật muốn giữ hai tội danh bức cung và nhục hình riêng thì yếu tố tăng nặng hình phạt của hai tội này không được trùng nhau. Hình phạt đối với tội bức cung phải thấp hơn hình phạt đối với tội dùng nhục hình.

Riêng với đề xuất gộp hai tội danh làm một thì nhiều đại biểu lại có ý kiến khác. Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho rằng không nên gộp bởi hai tội danh thuộc hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Nhục hình hiểu đơn giản là đánh đập, còn bức cung thì hết sức đa dạng và hệ quả bức cung cũng khác với dùng nhục hình. Có khi dùng nhục hình nhằm mục đích bức cung nhưng cũng có khi bức cung mà không hề dùng nhục hình.

Nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc cũng phản đối gộp hai tội này thành một: “Việc dùng nhục hình có thể hiểu nôm na là tra tấn để bắt mở mồm, còn bức cung thì rộng hơn. Thêm nữa, thực tế không phải cứ bức cung là dùng nhục hình hay cứ dùng nhục hình là nhằm mục đích bức cung mà có nhiều trường hợp bức cung nhưng không dùng đến nhục hình và hệ quả của bức cung là không hề nhỏ. Tương tự, có nhiều trường hợp lại dùng nhục hình nhưng lại không hề bức cung. Như vậy thì gộp hai tội này thành một là không đảm bảo”.

Bắt ăn món không ăn được cũng là tra tấn

Dùng nhục hình không phải chỉ là đánh đập mà còn là việc gây đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần cho nghi phạm. Biết nghi phạm không thích hoặc không ăn được món ăn nào đó mà vẫn bắt họ ăn cũng phải xem là dùng nhục hình và phải xử lý.

Ông HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp

DƯƠNG HẰNG

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,021

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]