Việc thu thuế TNCN khi chuyển nhượng nhà thì có hai khúc mắc chính mà người dân thường phản ứng. Thứ nhất là việc bắt dân chứng minh căn nhà duy nhất, thứ hai là tính thuế với cá nhân nhận ủy quyền bán nhà. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Ông LÊ VĂN KHƯƠNG, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 3:
Miễn nhưng có hạn mức
Hiện nay cá nhân bán căn nhà duy nhất thì được miễn thuế TNCN, việc miễn này tính trên suất bán chứ không xét đến giá trị căn nhà nên bán nhà 1 tỉ đồng cũng miễn như nhà 100 tỉ đồng, tính chất cào bằng. Do đó, tôi ủng hộ việc miễn thuế nhưng có hạn mức.
Hạn mức là bao nhiêu thì khó định ra con số cụ thể. Vì nếu đưa ra con số cụ thể tuyệt đối thì lại không giải quyết triệt để tính chất cào bằng. Ví dụ ở TP.HCM, căn nhà 5 tỉ đồng có thể là mức bình thường nhưng ở tỉnh khác thì nhà trị giá đến 5 tỉ đồng là rất ít, thậm chí không có nếu ở vùng sâu, vùng xa. Nếu đưa con số tuyệt đối thì không có tính điều tiết thu nhập giàu-nghèo đồng bộ ở các tỉnh, thành.
Do đó theo tôi, căn cứ hiệu quả nhất có thể là bảng giá đất của từng địa phương, vì bảng giá này đã tính toán dựa trên điều kiện kinh tế-xã hội từng địa bàn rồi. Có thể miễn thuế trong phần giá theo bảng giá. Phần giá chuyển nhượng cao hơn bảng giá quy định thì sẽ chịu thuế.
Trong việc chứng minh nhà duy nhất, cơ quan thuế thường cẩn trọng trước những hồ sơ có giá trị chuyển nhượng cao hoặc hồ sơ có nhiều nghi vấn, ví dụ cá nhân đang đứng tên chủ hộ khẩu ở quận 2 mà bán nhà sở hữu ở quận 3. Đây là nghiệp vụ mà chúng tôi phải thực hiện để tránh rủi ro thất thoát thuế. Tuy nhiên, người dân thường phản ứng khi bị yêu cầu làm xác nhận hay làm giấy tờ chứng minh không có nhà ở quận, huyện khác. Rất nhiều trường hợp người dân không chịu làm giấy tờ xác minh thì chúng tôi phải gửi văn bản sang Sở TN&MT nhờ xác minh xem cá nhân đó có sở hữu ở các quận, huyện khác không.
Trong việc tính thuế khi ủy quyền cũng vậy. Chúng tôi biết có những người nhận ủy quyền thực sự để bán nhà cho người khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều hồ sơ có nghi vấn việc ủy quyền là giả tạo, A ủy quyền cho B để bán nhà cho C chỉ nhằm tránh thuế cho lần chuyển nhượng từ A sang B thôi.
Làm thủ tục mua bán nhà, đất tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
Ông TRẦN QUỐC NAM, Giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn thuế TQN:
Phải làm đúng quy định, không đẻ thêm yêu cầu
Quy định miễn thuế TNCN khi người dân chuyển nhượng căn nhà duy nhất và không bắt người dân chứng minh, chỉ cần nộp bản cam kết đây là căn nhà duy nhất, không có nhà nào khác là được. Thế nhưng tôi đã gặp vài trường hợp cơ quan thuế bắt người dân đi làm xác nhận không có nhà ở quận, huyện khác. Nếu “cương” và bắt họ đưa ra quy định nào yêu cầu xác nhận thì họ mới bỏ yêu cầu. Thậm chí có lần tôi nói thẳng nếu không giải quyết hồ sơ mà cứ đòi xác nhận xác nhiếc là tôi khiếu nại, tôi kiện, thế là họ mới chịu giải quyết.
Nhiều cán bộ thuế cũng chia sẻ với tôi là “thông cảm giùm, không yêu cầu lỡ kiểm tra ra người dân có hai nhà thì nhân viên thuế bị kiểm điểm, cái này vì an toàn cho cơ quan thuế”. Thông cảm thì thông cảm nhưng không thể đáp ứng đòi hỏi vô lý của cơ quan thuế được. Ngành thuế cần chuyên nghiệp hơn, nếu anh nghi ngờ thì anh tự đi kiểm tra, tự chứng minh, tự xây dựng hệ thống thông tin sao cho các anh có thể liên kết được với nhau mà quản lý cho tốt.
LS TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang:
Cần bỏ quy định sở hữu trên 183 ngày
Trong Luật Thuế TNCN (năm 2007) đến khi sửa đổi bổ sung năm 2012, rồi luật sửa các luật về thuế năm 2014 đều không đề cập đến việc cá nhân phải sở hữu nhà trên 183 ngày mới được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng căn nhà duy nhất. Trong dự thảo sửa các luật về thuế mà Bộ Tài chính đưa ra gần đây chỉ bổ sung thêm điều kiện miễn thuế là theo hạn mức do Chính phủ quy định, cũng không đề cập đến điều kiện 183 ngày.
Việc bổ sung thêm điều kiện miễn thuế dưới luật là không hợp pháp. Do đó, nếu Bộ Tài chính thấy cần phải quy định sở hữu trên 183 ngày thì cứ mạnh dạn đưa vào dự thảo sửa luật luôn đi, trình Quốc hội, nếu chấp nhận thì Quốc hội thông qua, sau đó Bộ mới được đưa vào dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn. Còn Bộ Tài chính thấy không cần thiết có quy định này thì phải tuân thủ luật, không đặt thêm điều kiện nữa.
Ông NGUYỄN THÁI SƠN, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM:
Xây dựng luật phải đi kèm khả năng kiểm soát
Ngay từ khi dự thảo Luật Thuế TNCN, nhiều ý kiến đã góp ý rằng chính sách miễn thuế khi cá nhân bán nhà duy nhất là hợp đạo lý nhưng chắc chắn không thể kiểm soát nổi vào thời điểm năm 2007. Bởi lẽ cơ quan thuế không có cách gì biết cá nhân đó có thêm nhà nào khác nữa hay không. Nếu có đi xác minh đi nữa thì cũng xác minh các quận, huyện trong tỉnh, thành mình, chứ cá nhân có thêm nhà ở tỉnh, thành khác thì cũng chịu!
Bởi vì không có cách kiểm soát nên chỉ có thể yêu cầu người dân cam kết chứ cũng không thể bắt người dân đi chứng minh chỉ có một nhà, chẳng lẽ đi khắp đất nước xin xác nhận?!
Vấn đề là gần 10 năm thực hiện thuế TNCN mà vẫn chưa thể có được một hệ thống thông tin cho các cơ quan quản lý kiểm soát vấn đề sở hữu - miễn thuế này. Vì vậy để an toàn, cơ quan thuế thường đưa ra các yêu cầu xác minh, chứng minh bắt dân thực hiện thêm khiến người dân phản ứng. Đến lúc phải hoàn thiện hệ thống thông tin này để Nhà nước vừa không thất thoát thuế, người dân vừa không bị làm khó, miễn thuế công bằng hơn.
QUỲNH NHƯ
Theo Pháp luật TP.HCM