Ngày 16-10, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm hài cốt, mồ mả”.
Cả gia đình lừa đảo
Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt Nguyễn Văn Thúy (56 tuổi; còn gọi là “cậu” Thủy; ngụ thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) mức án chung thân cho 2 tội nêu trên. Các bị cáo khác gồm: Mẫn Thị Duyên (53 tuổi, vợ Thúy) bị HĐXX tuyên phạt 25 năm tù, Mẫn Đức Phương (37 tuổi, em vợ Thúy) 18 năm tù, Nguyễn Văn Hoành (46 tuổi, em ruột của Thúy, ngụ tỉnh Bắc Ninh) 20 năm tù; 2 con rể của Thúy cùng ngụ Hà Nội là Nguyễn Trường Sơn (28 tuổi) 15 năm tù, Nguyễn Anh Chiều (32 tuổi) 5 năm tù. Ngoài ra, Hoành còn bị HĐXX tuyên phạt 3 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Vũ Đức Chung (69 tuổi) - quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum - bị tuyên phạt 1 năm tù treo.
Bị cáo Nguyễn Văn Thúy cùng vợ tại phiên xét xử ngày 16-10
Các bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại hơn 8 tỉ đồng, trong đó Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam 7 tỉ đồng.
Trộm hơn 70 bộ hài cốt
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận từ tháng 11-2010 đến tháng 3-2013, “cậu” Thủy cùng đồng bọn đã trộm hơn 70 bộ hài cốt ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ, trong đó tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình 20 bộ; huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị 20 bộ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khoảng 10 bộ; huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế 20 bộ. Trong đó, Thúy là chủ mưu, Duyên là người giúp sức đắc lực, bị cáo Hoành là người tham gia hầu hết các vụ trộm hài cốt, làm mộ giả cùng các bị cáo khác.
Theo lời khai của Thúy, do thấy nhiều mộ vô danh trong nghĩa trang không được quản lý chặt nên nảy sinh ý định trộm để lừa đảo. “Khi nảy sinh ý định, tôi bàn với các bị cáo về kế hoạch của mình và được tất cả đồng ý” - bị cáo Thúy khai tại tòa.
Bị cáo Hoành thừa nhận có vai trò chủ chốt trong việc đào trộm hài cốt và làm mộ giả qua 4 đợt quy tập hài cốt liệt sĩ do Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam “đặt hàng”. Hoành cho biết sau khi đột nhập nghĩa trang, bốc hài cốt bỏ vào bao ni-lông rồi xóa dấu vết. “Nếu trộm được 1-2 bộ hài cốt, bị cáo làm mộ giả luôn, còn trộm được nhiều thì đưa về địa điểm quy tập để chờ làm mộ tập thể giả” - bị cáo Hoành khai nhận. Bị cáo này cũng thừa nhận đã đứng ra sắp xếp hài cốt cùng “di vật” mới có được để tạo mộ giả, đánh lừa người tìm hài cốt liệt sĩ.
Duyên chống chế: “Lúc đầu bị cáo không biết chồng mình lừa đảo và chỉ làm theo sự phân công của chồng. Sau khi biết chồng lừa đảo, tôi vô cùng sợ hãi và ăn năn”.
Với chiêu là nhà ngoại cảm, tổng cộng bị cáo Thúy cùng đồng bọn đã thực hiện 4 đợt tìm kiếm, cất bốc hài cốt giả do mình sắp đặt. Trong đó, 2 đợt ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk với tổng cộng 73 hài cốt giả, nhóm của Thúy đã chiếm đoạt trên 3,3 tỉ đồng; đợt quy tập ở xã Hưng Chiến, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước với 15 bộ hài cốt thu được hơn 1 tỉ đồng. Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, bị cáo Thúy còn lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng của nhiều cá nhân khác có nhu cầu tìm mộ liệt sĩ.
Tháng 7-2013, khi thực hiện hành vi lừa đảo tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, nhóm của Thúy bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Hậu quả khó giải quyết! Tại phiên tòa, bị hại Nguyễn Thị Tính (ngụ tỉnh Bắc Ninh, con của liệt sĩ Nguyễn Văn An) cho biết khi nhỏ, bà thường thấy mẹ mất ngủ vì nhớ thương người chồng đã hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Lớn lên, bà quyết thực hiện tâm nguyện là tìm cho được mộ cha mình. Bà Tính tìm đến “cậu” Thủy nhờ giúp đỡ và được ông phán rằng phần mộ cha bà đang ở Tây Nguyên. “Vào Gia Lai tìm mộ cùng ông Thúy, khi đào lên, ai cũng thừa nhận đó là phần mộ của cha tôi vì có kỷ vật ghi tên liệt sĩ, đơn vị. Do không biết mình bị lừa, tôi đã trả công cho họ trên 100 triệu đồng” - bà Tính đau xót. Nhiều bị hại đề nghị tòa đưa ra hướng xử lý đối với những mộ giả, không đúng thân nhân của họ do Thúy lừa đảo. “Chúng tôi rất đau buồn khi biết hài cốt mà nhóm của Thúy tìm được không phải là anh tôi. Chúng tôi vẫn đang thờ cúng mộ phần nhưng đề nghị tòa xem xét để có hướng giải quyết” - bị hại Nguyễn Văn Thắng - ngụ huyện Đông Anh, TP Hà Nội - yêu cầu. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Võ Ngọc Mậu giải thích đây là vấn đề rất khó xử lý vì pháp luật chưa có quy định. |
Quang Nhật
Theo Người lao động