Mở quán phở cũng phải có giám đốc

02/11/2015 08:55 AM

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tốn nhiều thời gian nộp thuế với khoảng 770 giờ/năm.

Quy định về thủ tục thuế và kế toán quá phức tạp, bất hợp lý, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là nhỏ và vừa.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về cải cách thủ tục hành chính thuế và kế toán do Tổng cục Thuế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức.

Doanh nghiệp phải… nói dối

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - bà Nguyễn Thị Cúc cho hay: “Mở một quán phở, thuê 10 người phục vụ sẽ phải lập DN theo quy định. Lập DN thì phải có kế toán, thủ quỹ, giám đốc, không được kiêm nhiệm…”.

Bà Cúc lấy dẫn chứng chính nơi mình đang công tác để làm ví dụ. “Hồi mới thành lập, Hội Tư vấn thuế chỉ có vài người nhưng theo quy định phải có kế toán trưởng, kế toán riêng, thủ quỹ… Trước các điều kiện đó buộc hội phải cử cả cán bộ văn phòng - vốn không biết làm kế toán để làm kế toán”.

Cũng theo bà Cúc, Hội Tư vấn thuế mới đây đã tiến hành khảo sát các DN về chế độ BHXH, thuế… Kết quả cho thấy 100% số DN được khảo sát đều phải “nói dối” để trốn BHXH, thuế.

Bà Cúc lý giải: “Theo quy định mới, một DN không thành lập công đoàn cũng phải nộp phí công đoàn 2%, ký hợp đồng với nhân viên dưới ba tháng cũng phải nộp bảo hiểm. Đó là lý do khiến các DN phải… nói dối”.

Theo Luật Kế toán, các DN nhỏ phải thực hiện quy định về công bố thông tin tài chính thông qua báo cáo tài chính (tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; trích lập và sử dụng các quỹ...) và phải công khai trong vòng 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

“Điều này là không cần thiết bởi các DN nhỏ và vừa (DNNVV) có số vốn ít, số thu ngân sách nhà nước trên một đơn vị DN thấp; tổ chức bộ máy và quản trị đơn giản, việc ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh cũng ở mức độ hạn chế” - bà Cúc nhìn nhận.

doanh nghiệp nhỏ thư viện pháp luật

Thủ tục về thuế vẫn gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: HTD

Chi phí quá lớn

TS Nguyễn Quốc Thắng, Phó Trưởng khoa Kế toán-Kiểm toán ĐH Tài chính Quản trị kinh doanh, cho rằng sổ sách, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của DNNVV hiện nay thường chỉ được dùng để đối phó với ngành thuế.

Nhiều DN làm hai, thậm chí ba bộ sổ sách trong hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính: một hệ thống nội bộ để phản ánh kết quả kinh doanh thực và một hệ thống đã “chế biến” để nộp cho cơ quan thuế nhằm mục đích trốn tránh, giảm thuế.

Chưa hết, ông Thắng tính toán một DN nhỏ, nếu doanh số 1 tỉ đồng/năm thì ít nhất phải có một kế toán, một thủ quỹ và một thủ kho. Để duy trì một kế toán, DN phải trả mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, bảo hiểm 24% lương... Mỗi năm DN nhỏ sẽ phải chi trả lương cho một vị trí ít nhất là 60 triệu đồng, nếu thêm các vị trí khác mất hơn 180 triệu đồng.

“Doanh thu 1 tỉ đồng/năm mà phải chi phí cho nhân sự hệ thống kế toán 180 triệu đồng là quá lớn. Chi phí tuân thủ các quy định kế toán đối với DNNVV là khá nặng” - ông Thắng bình luận.

Khai báo qua mạng

Nhiều ý kiến nhận định chiến lược phát triển đại lý thuế nhằm hỗ trợ DN về thuế đã có, nhu cầu được tư vấn thuế là có thật. Tuy nhiên, người nộp thuế và các DN chưa mặn mà với các đại lý thuế.

Từ góc độ DN, bà Bùi Thị Lệ Phương, Giám đốc Công ty TNHH tài chính, kế toán Centax, lý giải một trong những lý do khiến các DN và người nộp thuế ít nhờ cậy đại lý thuế do năng lực đại lý thuế không tốt về kế toán.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Quốc Thắng đề nghị để giảm bớt gánh nặng về kế toán cho các DNNVV, Bộ Tài chính nên tách riêng hai chế độ kế toán để phù hợp với quy mô, năng lực và trình độ của từng nhóm: Chế độ kế toán cho DN vừa và DN nhỏ; chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ; chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ cần đơn giản hóa, gắn việc lập báo cáo thuế với báo cáo kế toán.

“Đồng thời, sửa quy định về dịch vụ kế toán và đại lý thuế theo hướng cả đại lý thuế và dịch vụ kế toán được làm từ sổ sách kế toán đến thủ tục về thuế mà không cần có hai chứng chỉ hành nghề” - ông Thắng gợi ý.

Để khắc phục những rào cản về thuế, hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay đến năm 2018, các DN sẽ khai báo các thủ tục và nhận kết quả qua mạng nhằm giảm thiểu phiền hà.

“Đối với khu vực DNNVV, siêu nhỏ; hộ kinh doanh thì cơ quan thuế, Bộ Tài chính cũng phải triển khai thực hiện khai báo qua mạng, kể cả những khoản liên quan tới nghĩa vụ thường xuyên hoặc thường xuyên trong năm như mua-bán nhà đất, ô tô, xe máy…” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Gây ra hậu quả lớn

Sự bất cập về kế toán đối với DNNVV gây ra hậu quả lớn. Cụ thể với DN là thiếu sự minh bạch về tài chính, không tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, khó có thể mở rộng phạm vi kinh doanh. Đối với nền kinh tế là thất thu thuế nhà nước và định hướng chiến lược cho mô hình này không chuẩn do dựa trên những báo cáo của DN không trung thực.

Bà NGUYỄN THỊ CÚC, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Theo Tổng cục Thuế, đến hết tháng 6 vừa qua, số giờ nộp thuế của DN Việt Nam đã được giảm xuống còn 117 giờ/năm, sau khi cơ quan này gỡ bỏ hàng trăm thủ tục. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cho hay DN mất khoảng 770 giờ/năm để nộp thuế. Nếu tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng so với các nước ở tiêu chí nộp thuế.

Chân Luận

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,176

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]