Trước đó, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kế toán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự án Luật này trong phiên thảo luận vào ngày 21/10 vừa qua.
Đáng chú ý, về đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý, để đảm bảo sự chặt chẽ và thống nhất, tránh khả năng lợi dụng quy định này để làm sai lệch các thông tin kế toán, tránh việc gây ra những thiệt hại cho các cổ đông và nhà đầu tư, tránh gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đã đề nghị sửa lại nội dung tại Khoản 1, Điều 6 dự thảo Luật cho phù hợp với nội dung Khoản 1, Điều 28 nhằm thể hiện rõ thời điểm đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý.
Tiếp thu ý kiến này, phần dự thảo cuối cùng trước khi Quốc hội thông qua đã bổ sung “ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính” vào khoản này.
Về chứng từ điện tử (Điều 17), có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm nội dung quy định trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi nhận bằng phương tiện điện tử thì chứng từ điện tử có đầy đủ giá trị như chứng từ giấy và không bắt buộc phải in ra giấy.
Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội , nội dung Dự thảo luật đã quy định về giá trị của chứng từ kế toán, trong đó có chứng từ điện tử (thể hiện ở khoản 2 Điều 14; khoản 18 Điều 3; khoản 2 Điều 17). Đồng thời, tại khoản 6 Điều 18 của Dự thảo luật đã quy định chứng từ điện tử không bắt buộc phải in ra giấy. Do đó, đề xuất không bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật.
ĐP
Theo Thời báo Ngân hàng