Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ ngày 19/1/1974 khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý. Để khẳng định chủ quyền, năm 1982 Hội đồng bộ trưởng ra quyết định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, và sau đó trực thuộc thành phố Đà Nẵng vào năm 1997 khi chia tách tỉnh. Chính quyền huyện đảo chỉ có UBND mà không có HĐND.
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII hồi tháng 7/2015, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đề xuất chính quyền huyện đảo Hoàng Sa phải có đất, có dân bằng việc tách hai phường Mân Thái và Thọ Quang (quận Sơn Trà) để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa.
Trao đổi với VnExpress ngày 16/2, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, cho biết ông cũng như những người tiền nhiệm từng đề xuất nhập dân và đất ở đất liền vào đơn vị hành chính huyện đảo Hoàng Sa. "Đó là một đề xuất hợp lý và hợp pháp, nhưng chưa thực hiện được vì còn cân nhắc, đắn đo", ông Ngữ thẳng thắn nói.
Theo ông Ngữ, huyện Hoàng Sa là một đơn vị hành chính như bao huyện, thị xã. Những nhà nước trước đây đã thực hiện việc quản lý quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục. Như thời Việt Nam Cộng hòa nhập quần đảo Hoàng Sa vào xã Hòa Long (huyện Hòa Vang).
"Bây giờ gắn huyện đảo Hoàng Sa với đất liền là cần thiết. Nhưng thực hiện như thế nào thì phải tính toán. Làm sao để vừa đưa Hoàng Sa vào với đất liền, vừa có thể quản lý như một đơn vị hành chính gắn liền với lãnh thổ, dân cư. Người dân ở hai phường Thọ Quang và Mân Thái như đề xuất của ông Hải có những nét tương đồng với huyện đảo Hoàng Sa, vì chủ yếu là ngư dân ra đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Họ là những cột mốc chủ quyền trên biển", ông Ngữ nói.
Nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa trích dẫn Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, cấp huyện phải có HĐND và UBND. Do đó huyện đảo Hoàng Sa sẽ gặp vướng mắc khi không có dân để bầu ra HĐND. Muốn đưa dân cũng như tách phường thì phải thông qua Bộ Nội vụ, Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Và khi đó sẽ phải có những chính sách riêng cho người dân huyện đảo. "Bây giờ làm là đã quá chậm, nhưng nếu làm được sẽ có rất nhiều Việt kiều yêu nước xin nhập khẩu vào huyện đảo Hoàng Sa", ông Ngữ nói.
Ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ), người từng sưu tầm, tặng hơn 100 bản đồ và Atlas Trung Quốc không có Hoàng Sa cho huyện đảo Hoàng Sa, nói ông cũng như cộng đồng kiều bào ở hải ngoại sẽ rất vui mừng khi chính quyền huyện Hoàng Sa có dân, và rất hạnh phúc nếu được làm công dân của huyện đảo.
"Huyện đảo Hoàng Sa có đất và người thì sẽ có sự liên kết cụ thể. Hiện nay nhiều người nghe nói đến UBND huyện Hoàng Sa, nhưng không biết huyện đảo này ở đâu", ông Thắng nhìn nhận.
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, nói biển đảo là chất keo gắn kết người Việt ở trong nước với hải ngoại. Đó là chuyện đau thương và cũng là điều may của đất nước vì từ biển đảo mà đoàn kết dân tộc. Khi toàn dân tộc đoàn kết thì không ai có thể phá được.
Nhân chứng Hoàng Sa, cụ Lê Đình Rê (72 tuổi), thuyền trưởng tàu quân vận Việt Nam Cộng hòa từng ra cứu hộ binh lính trong trận cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, nói rằng đã nghe thông tin về việc đề nghị tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa. "Cá nhân tôi rất quan tâm và ủng hộ. Về pháp lý, huyện đảo Hoàng Sa phải có dân, có đất. Chứ chỉ có chính quyền thì không tồn tại", ông nói.
Ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa Đà Nẵng, cho biết UBND huyện đảo đã trình lãnh đạo thành phố Đà Nẵng các phương án về mô hình tổ chức theo luật Tổ chức chính quyền địa phương để có chủ trương phù hợp.
Nguyễn Đông
Theo VnExpress