Theo ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 này phía VCCI dự kiến sẽ khảo sát về tình hình thực hiện việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2016 cũng như sẽ khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp đối với đợt tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Theo báo cáo của VCCI, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ việc tăng lương tối thiểu cho người lao động, chỉ còn lại một số ít doanh nghiệp do gặp khó khăn nên chậm trễ thực hiện khiến xảy ra tình trạng đình công ở khu vực phía Nam thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, theo Bộ LĐTBXH, cùng thời điểm với khảo sát của VCCI, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có chương trình khảo sát đánh giá cho đợt tăng lương tối thiểu vùng 2017, cụ thể: Đánh giá các yếu tố để tính mức sống tối thiểu của người lao động, khảo sát thực tế tình hình thu nhập của người lao động, đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với cuộc sống người lao động.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 8-3, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành, đề nghị tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định về lương tối thiểu vùng năm 2016. Bộ LĐTBXH cũng đang có nhiều cuộc gặp gỡ để tiếp thu ý kiến về tiền lương, bảo hiểm xã hội từ phía các tổng công ty, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp điện tử tại Thái Nguyên, Ninh Bình và Hưng Yên…
Các thông tin tiếp thu có thể là nguồn bổ sung chuẩn bị cho đợt đối thoại tăng lương tối thiểu vùng 2017 vào quý 3-2016.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, sẽ có nhiều khó khăn khi tìm kiếm đồng thuận của các bên trong việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Các bên cần tăng cường đối thoại để tìm ra giải pháp hài hòa nhằm một mặt nâng dần đời sống của người lao động, mặt khác tính tới khả năng thực tế của doanh nghiệp, thậm chí phải tính thêm yếu tố cạnh tranh quốc gia.
Trước đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có công văn gửi các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và các tổng công ty về việc tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
Tổng Liên đoàn Lao động cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng 2016 quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP thì không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động...
Trước đó, sau nhiều phiên thảo luận gay gắt, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã chốt ở 12,4% so với năm 2015. Cùng với việc tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp phải tăng thêm cả tiền đóng BHXH cho người lao động do điều chỉnh các khoản bổ sung có tính chất lương. Điều này đã gây ra gánh nặng “kép” cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và sức khỏe của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập.
Thùy Dung
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online