Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đừng mất công đòi hỏi sách giáo khoa

10/04/2016 15:39 PM

"Mọi người mất nhiều công sức để nói về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng đó là chuyện của các thầy. Thầy không đáp ứng mục tiêu đầu ra thì sách giáo khoa không giải quyết được gì", tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm.

Cảm xúc của ông khi được Quốc hội bầu làm người đứng đầu ngành Giáo dục?

- Tôi vui mừng và vinh dự được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ một chức vụ quan trọng trong Chính phủ, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì thấy trách nhiệm quá lớn lao. Làm trong ngành nhiều năm, tôi thấu hiểu những khó khăn, gian khổ không hề nhỏ mà các vị Bộ trưởng tiền nhiệm phải trải qua. Nay được đặt vào cương vị ấy, tôi ý thức sâu sắc rằng có rất nhiều thử thách ở phía trước.

Dù vậy, tôi tin tưởng vào thành công vì giáo dục, đào tạo là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt. Chúng ta cũng có rất nhiều chuyên gia giỏi, đầy nhiệt huyết trong và ngoài nước. Nếu tranh thủ được trí tuệ, sự nhiệt tình của họ thì không lo ngành giáo dục, đào tạo không có “hòn núi cao”.

Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết.

phùng xuân nhạ

Tân Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VNU

- Việc đầu tiên Bộ trưởng ưu tiên thực hiện khi nhận nhiệm vụ mới là gì?

- Tôi phải bắt tay ngay vào việc tiếp tục triển khai quyết liệt và sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.

Để đạt được mục tiêu ấy, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

- Vậy ông đặt vai trò của sách giáo khoa ở đâu?

- Lâu nay, mọi người mất nhiều công sức để nói về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng đó là câu chuyện của các thầy, câu chuyện của nhà trường. Với mục tiêu đặt ra là đào tạo con người như thế này thì các thầy phải làm thế nào - đó là công việc có tính chất nghiệp vụ. Sao mang nghiệp vụ của thầy ra để xã hội bàn? Có những công việc chỉ những người trong ngành bàn với nhau. Có những việc cả xã hội cùng bàn. Không nên lẫn lộn hai thứ.

Hãy đưa ra đòi hỏi về con người, đừng đưa ra đòi hỏi về giáo trình, sách giáo khoa. Nếu các thầy không đáp ứng được mục tiêu đầu ra thì sách giáo khoa không giải quyết được gì. Sách chỉ là khâu trung gian trong việc quản lý, trong quá trình chứ không phải mục tiêu.

Tôi tiếp cận theo hướng đó chứ không phải việc thế nào là chương trình, sách giáo khoa. Đó là nhiệm vụ của các ông thứ trưởng, vụ trưởng sẽ phải làm.

- Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xem đổi mới căn bản giáo dục đào tạo là một "trận đánh lớn", quan điểm của ông thế nào?

- Bất kỳ người dân nào cũng có mưu cầu rất chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, sống trong xã hội yên bình. Tôi được giao nhiệm vụ mà lại không chú trọng đến mưu cầu đó một cách thực sự thì không đúng, vì bản chất của giáo dục là con người chứ không phải bằng cấp.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn, theo UNESCO là học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để sống với nhau.

Tôi xuất phát từ thực tiễn là lắng nghe nhu cầu con người. Tất cả con người đều có mưu cầu để cuộc sống tốt lên, nhân văn hơn. Từ nhu cầu đó quay trở lại giáo dục phải làm thế nào. Nhưng một mình giáo dục không làm được mà phải có sự đồng hành của gia đình và toàn xã hội.

Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm.

Nếu làm như chiến dịch thì làm xong rồi tắt luôn. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ quan trọng của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi.

- Ông xây dựng niềm tin đó bằng cách nào?

- Niềm tin phải được xây dựng bằng nhận thức. Trước khi làm cho xã hội tin thì người trong ngành phải tin đã. Nhiều giáo viên rất buồn, tâm tư và tự ti. Bây giờ phải thổi được sự tự hào, niềm hứng khởi vào hàng triệu giáo viên, thậm chí thổi cái hổ thẹn (nếu có) cho hàng triệu giáo viên phấn khích.

Đừng mắng mỏ, chê bai vì các thầy cô giáo là “kỹ sư tâm hồn”, họ rất nhạy cảm, nhạy cảm hơn cả nghệ sĩ, khi họ đã buồn rồi thì làm sao họ “sáng tác” được. Vì thế phải động viên, khích lệ giáo viên.

Hoàng Thuỳ

Theo Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,382

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]