Phó Chủ tịch Hà Tĩnh: Yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng

25/04/2016 08:14 AM

Phó Chủ tịch Hà Tĩnh cho biết, hải sản đang bơi ở trong các lồng bè (Vũng Áng) có thể yên tâm ăn được.

đặng ngọc sơn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: Yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng

Chiều 23/4, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.

Trước sự việc cá chết hàng loạt tại bè nuôi và trên biển ở các tỉnh Bắc miền Trung, chiều 23/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã làm việc với ngành nông nghiệp của 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) nhằm sớm tìm ra nguyên nhân, để ngư dân yên tâm khắc phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo của các cơ quan Bộ NN&PTNT, cá chết xuất hiện bất thường từ ngày 6/4 từ xã Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Hà thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sau đó lan tới Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt là cá chết nhanh, đồng loạt, nhưng nội tạng cá lại bình thường, không có dấu hiệu bệnh dịch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, sau khi các cơ quan chuyên môn của Bộ vào cuộc thì đến nay có thể khẳng định cá chết là do độc tố, nhưng để xác định độc tố là gì thì cần phải phối hợp các bộ ngành liên quan mới tìm ra được.  

Đến hết ngày 23/4, các Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt trong thời gian qua.

vũng án

Vũng Áng nhìn từ trên cao

Tại tỉnh Quảng Bình, tuy chưa thống kê cụ thể mức độ thiệt hại nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tại, việc kinh doanh về thủy hải sản tại hầu hết các chợ đều bị ngưng trệ. Một số tàu biển đánh bắt xa bờ sau khi về phải di chuyển sang tỉnh khác bán với giá rẻ. Ngành du lịch Quảng Bình cũng ảnh hưởng rất lớn, các nhà hàng kinh doanh hải sản vắng khách.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, ước thiệt hại về các loại thủy, hải sản khoảng 70 tấn, trong đó có 7 tấn tôm nuôi, 60 tấn ngao và 2,1 tấn cá các loại. Riêng cá tự nhiên trôi dạt vào bờ thì chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng theo kinh nghiệm của người dân địa phương những loại cá chết trôi dạt vào bờ chủ yếu là cá sống ở tầng đáy.

Hiện nay, tình trạng hải sản bán ở các chợ hay các nhà hàng hải sản ở Vũng Áng (Kỳ Anh) rất ế ẩm do tâm lý người dân lo ngại trước thông tin cá chết hàng loạt vừa qua. Đời sống bà con ngư dân gặp khó khăn.

mực nhảy

Mực nhảy Vũng Áng - đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT yêu cầu cơ quan chức năng các địa phương tiếp tục theo dõi, có phương án ổn định tình hình, hướng dẫn người dân cách thu gom, xử lý cá chết. Đồng thời, nhanh chóng đề xuất Bộ các giải pháp để xác định thời điểm, các điều kiện môi trường để hướng dẫn đưa nước vào ao hồ tái nuôi trồng thủy hải sản, khoanh vùng các ngư trường nằm ngoài vùng ảnh hưởng để ngư dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt cá phục vụ đời sống.

Văn Thanh - Trần Lộc

Theo Báo Giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,865

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]