Một vụ kiện Quyết định hành chính của cựu Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội ban hành vừa được chính… TAND quận này xét xử hôm 6/6
Hôm qua (10/6), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thi hành Bộ luật Dân sự (BLDS), Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC). Đây là những bộ luật, luật được Quốc hội thông qua tháng 11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 tới.
Chỉ được phép ủy quyền cho cấp phó
Hội nghị giới thiệu những nội dung mới của các bộ luật và luật này. Trong đó, Luật TTHC năm 2015 được coi là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới, là đạo luật liên quan trực tiếp tổ chức và hoạt động của TAND, Viện KSND nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một trong những điểm mới của luật này đó là quy định về quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Theo nội dung tham luận của Ths Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao: “Thực tiễn trong thời gian qua, người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức và thường là người không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Thậm chí có trường hợp ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng, khiến cho việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa gặp khó khăn, không hiệu quả, việc giải quyết vụ án bị kéo dài, không đảm bảo để tòa án xem xét giải quyết khách quan, toàn diện vụ án”.
Vị Phó Chánh án cho biết, để khắc phục tồn tại trên, Luật TTHC 2015 đã bổ sung quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”. (Khoản 3, Điều 60 Bộ luật TTHC 2015).
Chủ tịch huyện bị kiện, thẩm quyền giải quyết thuộc tòa cấp tỉnh
Trao đổi với phóng viên, luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Luật TTHC 2015 đã khắc phục được sự bất hợp lý về thẩm quyền xét xử trong các vụ kiện hành chính. Nếu như trước đây, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện, điều này chưa thể hiện được tính khách quan trong xét xử.
Nhưng Luật TTHC 2015 đã quy định giao cho TAND cấp tỉnh thẩm quyền này nhằm khắc phục tồn tại, bất cập từ thực tiễn giải quyết các khiếu kiện hành chính trong thời gian vừa qua. Cụ thể, theo khoản 4, Điều 32, Luật TTHC 2015 “đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc quyền của TAND cấp tỉnh”.
Ngoài ra, Luật TTHC 2015, cũng bổ sung quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của Chánh án TAND và Thẩm phán như: quyền kiến nghị với cơ quan, cá nhân có văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện xem xét sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ văn bản, chấm dứt hành vi đó nếu phát hiện có dấu hiệu trái luật; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên…
Dương Lê
Theo Tiền phong