Quang cảnh buổi họp báo công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung
17 giờ chiều nay 30-6, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua.
16 giờ 55 phút, tại hội trường họp báo đã có khoảng 200 phóng viên trong và ngoài nước có mặt để dự buổi họp báo chính phủ chuyên đề đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cuộc họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành như: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Công an, Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Y tế…
Nội dung cuộc họp tập trung vào công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng.
Ngay từ hơn 16 giờ, phóng viên các báo đài đã tập trung tại phòng họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội. Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến buổi họp báo này trên Báo Người Lao Động điện tử.
Trước đó, như báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt xuất hiện vào ngày 6-4 gần khu kinh tế Vũng Áng (ở Sơn Dương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nơi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đặt nhà máy rất lớn), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình ngày 10-4, Thừa Thiên - Huế ngày 15-4, Quảng Trị ngày 16-4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4-5.
Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm; hải sản không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ không đủ bù chi phí đánh bắt… Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng đã vào thị sát, kiểm tra tình hình tại Hà Tĩnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần làm rõ nguyên nhân cá chết với tinh thần không bao che, yêu cầu Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Thủ tướng cũng chỉ đạo hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng.
Các cơ quan chức năng đã tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm khách quan, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật. Đến nay đã xác định được nguyên nhân và đối tượng chịu trách nhiệm về cá chết hàng loạt, cũng như giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho người dân bị ảnh hưởng.
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của tập đoàn nhựa Formosa Plastics Group , Đài Loan. Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, dự án bắt đầu khởi động từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỉ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II). Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025 ha và diện tích mặt nước hơn 1.293 ha (cảng Sơn Dương). |
Ngày 21-4, thông tin trên báo chí cho biết đường ống xả thải khổng lồ từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng được ngư dân Nguyễn Xuân Thành (ở Hà Tĩnh) phát hiện ngày 4-4, trong khi lặn xuống biển “săn” cá. Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). Anh cho biết vào thời điểm phát hiện, đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở. Sau khi phát hiện đường ống trên, anh Thành đã thông báo đến cơ quan chức năng. |
VPHN
Theo Người lao động