Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Trong 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ so với kế hoạch đã đề ra (hoàn thành 31/33 nhiệm vụ, đạt gần 94%); một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao như việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là với các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, qua đó từng bước kéo giảm có hiệu quả tình trạng “nợ đọng” văn bản.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, các bộ, ngành đã góp phần xây dựng nội dung để Chính phủ trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến 7 luật, trong đó có những dự án luật quan trọng phục vụ triển khai thi hành Hiến pháp 2013 như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)...
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cũng đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ nhất.
Hiện nay, các bộ, ngành đang tích cực xây dựng, hoàn thiện các dự án luật quan trọng khác như: Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...
Các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 400 văn bản, trong đó có 55 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh (21 nghị định, 2 quyết định, 28 thông tư, 4 thông tư liên tịch) và chùm nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đáp ứng yêu cầu thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và tạo thuận lợi tối đa cho khởi nghiệp, cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Riêng Bộ Tư pháp đã trình 18/18 văn bản, đề án có thời hạn phải trình trong 6 tháng đầu năm 2016, đạt tỷ lệ 100%. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã từng bước được khắc phục hiệu quả.
Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận, kiểm tra 1.443 văn bản, bước đầu phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành; tham gia ý kiến đối với 322 TTHC, qua đó, đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý...
Từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tập trung xây dựng các dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); hoàn thiện dự án Luật Đấu giá tài sản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; phối hợp với TAND Tối cao ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội; nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản.
Tích cực tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp mạnh mẽ nhằm thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội; theo dõi, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra các bộ, ngành trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số luật về đầu tư, kinh doanh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản theo kế hoạch năm 2016...
Toàn Thắng
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ