Đó là quan điểm được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về dự kiến các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.
Thẳng thắn chỉ ra hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật còn nhiều bất cập, khi chương trình điều chỉnh nhiều sai sót, trách nhiệm cá nhân chưa làm rõ một cách cụ thể, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng cần xây dựng pháp luật tốt hơn trong nhiệm kỳ tới.
Đơn cử như những sai sót trong việc ban hành một số văn bản luật thời gian qua, ông Minh dẫn chứng như Bộ Luật Hình sự có sai sót được đánh giá là “thảm họa” của lập pháp. Thế nhưng, văn bản báo cáo trước Quốc hội vẫn chưa đủ căn cứ để quy trách nhiệm về ai. Hoặc Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật ngân sách nhà nước...
“Những sai sót đó tôi đề nghị phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và phải đưa vào chương trình, phải xác định rõ trách nhiệm trong thời gian tới. Mặc dù Quốc hội đã giám sát, cơ quan Chính phủ đẩy mạnh, các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc hơn việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng vấn đề nợ vẫn còn nhiều” – Đại biểu Ngô Văn Minh nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng cần phải xem xét và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng luật, mà cụ thể là cách thức làm luật tại Quốc hội để có thể huy động được trí tuệ của các ĐBQH.
Vị ĐB này thẳng thắn chỉ ra: “Các ĐBQH nếu không phải là Ủy viên UBTVQH thì rất ít cơ hội để tham gia ý kiến, nhiều hoạt động có liên quan thẩm tra thì không được tham dự, bởi vì không ai mời, ngay đại biểu chuyên trách ở trung ương cũng hiếm khi được mời để tham dự những hoạt động này”.
Trong khi đó nhiều đại biểu khác có tâm huyết, có ý kiến tham gia thì không có cơ hội tham gia, nhiều khi xin tài liệu nghiên cứu cũng không có. Bởi trong quá trình tiến hành thẩm tra, các dự án luật đã được chỉnh lý thay đổi liên tục, nên chỉ có cơ hội tham gia chỉ trong kỳ họp. Song tài liệu thường chỉ được gửi trước kỳ họp 1-2 ngày, thời gian phát biểu quá ngắn nên cũng không thể hiện được hết vấn đề.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền - Thái Bình, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới hạn chế, đó là việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa qua là do chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Ở đây, cả về hồ sơ, tài liệu, thời gian gửi hồ sơ, tài liệu, thành phần tham gia... đều không đảm bảo được các quy định, nên dẫn tới những hậu quả, sai sót đáng tiếc trong thời gian qua. Vẫn còn tình trạng nể nang, dễ dãi trong việc thẩm định, tiếp nhận hồ sơ dự án, chất lượng dự thảo. Các báo cáo, tài liệu, hồ sơ dự án chưa đảm bảo yêu cầu, dẫn đến chương trình phải thường xuyên điều chỉnh” – đại biểu Xuyền chỉ rõ.
Trước thực trạng trên, nhiều ĐBQH khuyến nghị không nên quá máy móc cho rằng thời gian không nhiều cho nên phải hạn chế số lượng luật mà phải ban hành và xây dựng pháp luật theo yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của quản lý, yêu cầu của cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc để xảy ra những sai sót như Bộ Luật Hình sự vừa qua là rất đáng tiếc. Do đó, Quốc hội sẽ xem xét rất kỹ, vừa bảo đảm số lượng của luật, nhưng phải bảo đảm chất lượng và đó sẽ là yêu cầu số một.
Theo cafef/Trí thức trẻ