Cụ thể, Bộ đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành hoặc cố ý trì hoãn sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 2,5 – 5 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc thực hiện chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi cố ý giấu hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, trên sông, trên hồ cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai.
Đối với vi phạm làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai, Bộ đề xuất mức phạt từ 2,5 - 5 triệu đồng đối với hành vi làm cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai theo quy định. Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với hành vi neo đậu tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai không đúng nơi quy định. Phạt tiền từ 8 – 15 triệu đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai; từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi khoan, đào, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản, nước trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; 25 – 40 triệu đồng đối với hành vi làm hư hại công trình phục vụ phòng, chống thiên tai.
Vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai bị đề xuất phạt từ 3 – 20 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không cứu giúp khi nhận được yêu cầu hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, hồ khi vượt quá khả năng; từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp hoặc có yêu cầu nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ.
Vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai bị đề xuất phạt từ 2,5 – 10 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 2,5 – 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra. Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, làm thất thoát tiền và hàng cứu trợ; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn trước rủi ro thiên tai khi đầu tư xây dựng công trình. Phạt tiền từ 15 – 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện nội dung về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới công trình hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn và công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Phạt tiền từ 2,5 – 5 triệu đồng đối với hành vi không gửi phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt đến Ủy ban nhân dân địa phương có liên quan trên địa bàn và cơ quan cấp trên để phối hợp chỉ đạo thực hiện; từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi không chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai được phê duyệt. Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai của cơ quan, tổ chức.
Vi phạm về đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai phạt đến 50 triệu
Theo dự thảo, phạt tiền gấp 1 lần mức phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa không quá 50 triệu đồng đối với hành vi đóng thiếu quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm.
Cụ thể: Đối với cá nhân đến ngày 30/5 đã đóng nhưng chưa đóng đủ mức phải đóng góp theo quy định và trong khoảng từ sau 30/5 đến hết ngày 31/12 hàng năm mới đóng phần còn thiếu.
Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, đến ngày 30/5 đã đóng lần thứ nhất nhưng chưa đóng đủ số tiền phải đóng góp theo quy định và số tiền thiếu của lần thứ nhất đóng trước ngày 30/10 hàng năm; đến ngày 30/10 hàng năm đã đóng lần thứ 2 nhưng chưa đóng đủ số tiền phải đóng góp theo quy định và số tiền còn thiếu của lần thứ 2 đóng trước ngày 31/12 hàng năm.
Phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt nhưng tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa không quá 50 triệu đồng đối với hành vi đóng chậm quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm, cụ thể: Đối với cá nhân đóng quỹ phòng, chống thiên tai trong khoảng từ sau ngày 30/5 đến hết ngày 31/12 hàng năm. Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập đóng lần thứ nhất trong khoảng từ sau ngày 30/5 đến ngày 30/10 hàng năm và đóng số tiền còn lại trong khoảng từ sau 30/10 đến hết ngày 31/12 hàng năm.
Phạt tiền gấp 2 lần mức phải đóng góp theo từng đợt nhưng tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa không quá 50 triệu đồng đối với hành vi không đóng quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm, cụ thể: Đối với cá nhân đến hết ngày 31/12 hàng năm chưa đóng đủ quỹ phòng, chống thiên tai. Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập đến hết ngày 30/10 hàng năm chưa đóng lần thứ nhất và đến hết ngày 31/12 chưa đóng số tiền còn lại phải đóng góp quỹ phòng, chống thiên tai.
Dự thảo nêu rõ mức phạt tiền đề xuất là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ