Đối tượng Sùng A Sài. |
Cãi vã một hồi, chị Đớ bèn cầm chiếc áo “làm tin” mà Sài tặng năm nào ném xuống sàn. Nhìn vợ vứt áo, Sài quát: “Sao lần nào cãi nhau mày cũng vứt áo tao tặng đi thế? Mày chán tao rồi hay có ai khác hả?”. Chị Đớ trả lời: “Tôi không có ai cả nhưng chán cuộc sống suốt ngày rượu chè của anh rồi. Không ở với nhau nữa đâu”. Nói rồi chị bỏ đi.
Đến 17h cùng ngày, chị Đớ quay về thì vẫn thấy Sài ngồi ở góc nhà ôm chiếc áo. Kệ cho chồng có ý hàn gắn, chị Đớ vào buồng thu dọn quần áo và nhất quyết đòi đi. Thấy vậy, Sài chạy đến kéo vợ vào nhà nhưng chị Đớ vung tay dứt khoát: “Không ở với nhau được nữa đâu Sài à”. Tức giận, Sài bảo: “Nếu không ở được với nhau nữa thì cùng chết”. Nói rồi, Sài lôi vợ vào trong nhà, sẵn có khẩu súng kíp đi rừng vẫn hay mang theo, Sài lên đạn nhằm thẳng vợ mình bóp cò. Hành động quá nhanh của chồng khiến chị Đớ trở tay không kịp. Tiếng súng chát chúa vang lên chấn động cả bản Thà Giàng Chải. Lúc Sài đang lên đạn để tự kết liễu mình thì một người cùng bản kịp đến giằng được khẩu súng.
Nỗi đau còn đọng lại
Do vết thương quá nặng nên chị Đớ đã tử vong. Cáo trạng của VKSND tỉnh Lai Châu truy tố Sùng A Sài về tội “Giết người” có tính chất côn đồ được quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Dự kiến, phiên tòa xét xử vụ án sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 11 tại UBND xã Thà Giàng Chải.
Phóng viên PLVN có cuộc gặp ngắn ngủi với ông Sùng Trù Súa (bố Sài) khi ông đến TAND tỉnh Lai Châu hỏi một số thủ tục cho phiên tòa sắp tới. Nhìn dáng vẻ người đàn ông khắc khổ, đôi mắt buồn và bước đi nặng nhọc, chúng tôi không khỏi xót xa. Ông Súa không nói được tiếng phổ thông, qua một cán bộ am hiểu tiếng H’Mông, chúng tôi được biết ông đang phải nhờ một phụ nữ trong bản có con nhỏ cho con của Sài được bú nhờ. Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện xảy ra, ông Súa lắc đầu chỉ ngắn gọn một câu: “Chuyện buồn lắm cán bộ ạ. Không biết phải nói sao đâu”.
Trời chiều Lai Châu đầu mùa đông rất lạnh, đó vừa là nét đặc trưng của vùng đất này vừa như khiến không khí não nề hơn. Ông Súa leo lên chiếc xe máy đi nhờ một người cùng xã chào chúng tôi ra về. Anh cán bộ đi cùng bảo tôi: “Ông ta không biết phải xoay xở ra sao để có tiền bồi thường cho gia đình thông gia khoản ma chay. Đồng bào ở đây nghèo lắm, cái ăn còn chẳng đủ nữa là...”. Đôi mắt của lão nông như ám ảnh chúng tôi khi ra về bởi thăm thẳm một nỗi buồn không biết phải gọi tên ra sao...
Theo Kỳ Anh
Pháp luật VN