Hơn 300 đại biểu đại diện 35 quốc gia trong khu vực đến dự, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm về vấn đề sức khỏe và chăm sóc, phúc lợi xã hội, phát huy vai trò của người cao tuổi, giảm thiểu các tác động tiêu cực kinh tế - xã hội, môi trường đến người cao tuổi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi, cho biết tuổi thọ trung bình của VN hiện nay là 76,6 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới là 71 tuổi. VN đang trong giai đoạn đỉnh cao của dân số vàng, nhưng rất ít người biết rằng VN đang đứng trước ngưỡng cửa giao thoa dân số vàng và rất nhanh tới đây là nước dân số già. 10 năm nữa cứ 11 người có 1 người cao tuổi và 50 năm nữa cứ 4 người có 1 người cao tuổi. Nếu chính sách dân số không có gì thay đổi thì 20 năm nữa số người trẻ bằng người cao tuổi. Do vậy, Chính phủ sẽ bàn các giải pháp để không những vượt qua thách thức mà phải biến thách thức thành cơ hội phát triển, làm sao phát huy vai trò của người cao tuổi.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, VN đã nghiên cứu và nghĩ tới tăng tuổi nghỉ hưu, tận dụng năng lực, trình độ, chuyên môn của lớp người cao tuổi. “Việc tăng tuổi hưu tới đây phải tính tới cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, tính chất nghề nghiệp. Sẽ không có tuổi nghỉ hưu chung cho tất cả loại hình nghề, trong kinh tế có nhiều ngành nghề kéo dài tuổi không phù hợp như may mặc, gia công giày dép... vì vậy tuổi nghỉ hưu sẽ tính tới cả tình hình sức khỏe”, ông Đàm nói.
Dự báo của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050 sẽ có 1,2 tỉ người trên 60 tuổi sống ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tương đương 2/3 số nam giới và phụ nữ cao tuổi trên toàn thế giới. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của các nước đang phải đối mặt với việc giảm sút đáng kể dân số trong độ tuổi lao động và gia tăng số người cao tuổi phụ thuộc. Còn theo Bộ LĐ-TB-XH, tại VN tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh từ 6,9% năm 1979 lên 10,5% vào năm 2015. Theo dự báo, 50 năm nữa, VN sẽ có thêm hơn 10 triệu người cao tuổi.
T.Hằng
Theo Thanh niên