Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giới thiệu toàn văn của Nghị quyết số 07-NQ/TW đến bạn đọc.
NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (Nghị quyết số 07-NQ/TW).
I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
1- Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Công tác tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành vĩ mô của đất nước trong từng giai đoạn.
2- Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công vẫn còn hạn chế, yếu kém: Quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững; các nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả; tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nghiêm trọng. Nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực; thu không đủ chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỉ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm; tỉ trọng chi ngân sách Trung ương giảm, chi ngân sách địa phương tăng. Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, bội chi cao, phải vay đảo nợ; nhiều địa phương chưa có khả năng cân đối ngân sách và điều tiết về ngân sách Trung ương. Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.
3- Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế nước ta và những tác động của tình hình kinh tế thế giới, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu . Nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công chưa đầy đủ, thống nhất, dẫn đến đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách chưa quyết liệt, thiếu nhất quán, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống quản lý phí, thuế còn nhiều bất cập; chính sách giá đối với nhiều loại hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu chưa theo cơ chế thị trường, còn bao cấp, trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ chi phí khá lớn. Ý thức chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm; việc thực hiện nghĩa vụ thu, nộp ngân sách và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém; chưa chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực; còn bị động, trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ ngân sách. Việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Khu vực sự nghiệp công lập đổi mới chậm và còn nhiều bất cập; việc thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hoá, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính chưa đạt yêu cầu. Việc ban hành và thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương là cần thiết, nhưng cũng làm tăng nhanh chi thường xuyên. Chức năng, nhiệm vụ quản lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư công, nợ công, còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công. Kỷ cương, kỷ luật tài chính còn bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập; chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm. Công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo còn nhiều hạn chế.
II- MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1- Mục tiêu
1.1- Mục tiêu tổng quát
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
1.2- Mục tiêu cụ thể
- Tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 20 - 21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84 - 85%, tỉ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỉ trọng thu ngân sách Trung ương 60 - 65%. Sau năm 2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.
- Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25 - 26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.
- Giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Q uy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
2- Quan điểm chỉ đạo
- Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực. Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xoá bỏ cơ chế "xin - cho".
- Kết hợp hài hoà giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; thu hút tối đa nguồn lực của xã hội. Điều chỉnh quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách nhà nước. Thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với các ưu tiên chiến lược của nền kinh tế.
- Đổi mới công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hỗ trợ hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền đất nước.
III- CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1 - Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước. Tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phối hợp hiệu quả các chính sách tài khoá, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP tối thiểu như đã đề ra. Thực hiện lộ trình giá thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với những hàng hoá quan trọng, thiết yếu; sớm thực hiện đầy đủ cơ chế giá thị trường đối với dịch vụ công, điện, nước, đất đai và các nguồn tài nguyên quan trọng.
2 - Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tạo thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp về chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các vi phạm.
3- Tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn gắn với chiến lược quản lý nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công trong cùng thời kỳ.
Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế ; tăng tỉ trọng thu nội địa, bảo đảm tỉ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý. Tăng cường quản lý, khai thác, huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỉ trọng chi đầu tư, giảm dần tỉ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách tiền lương. Đổi mới quản lý chi ngân sách nhà nước phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường; rà soát các chính sách xã hội, an sinh xã hội để bảo đảm sử dụng ngân sách tập trung và có hiệu quả cao; đẩy mạnh thực hiện khoán chi và tiền tệ hoá, đưa vào thu nhập một số chính sách, chế độ theo tiêu chuẩn, định mức chi. Nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công ; nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi và nợ của chính quyền địa phương, bảo đảm dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn. Giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tập trung ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách, kể cả sử dụng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước và vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn ; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng . Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
4- Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình trọng điểm, có sức lan toả lớn và giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ để sử dụng cho đầu tư phát triển và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách. Xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả; từng bước tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội .
5- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; n âng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp xây dựng dự toán thu ngân sách trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế và dự toán chi ngân sách theo mục tiêu, nhiệm vụ, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ và cam kết chi. Thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán; vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định ; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn. Kh ông chuyển vốn vay, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước . Tăng cường kiểm soát chi ngân sách theo hướng phù hợp với khả năng thu và trả nợ, thống nhất quy trình, tập trung đầu mối và hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát cam kết chi. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước và nợ công.
Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, xây dựng chế độ công vụ rõ ràng, minh bạch, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính; nâng cao năng lực dự báo và xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công.
6- Nghiên cứu, xây dựng chiến lược và lộ trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công sau năm 2020 theo hướng:
- Phát triển hệ thống thu đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; cơ cấu thu bền vững; bảo đảm huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
- Hoàn thiện pháp luật, đổi mới cơ bản công tác quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong trung, dài hạn và hằng năm; nâng cao hiệu quả công tác lập ngân sách, chấp hành kiểm toán, quyết toán, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước; trao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình đối với các đơn vị sử dụng ngân sách.
- Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý nợ công với công tác điều hành chính sách tài khoá - tiền tệ; xây dựng khung pháp lý, phát triển và áp dụng đầy đủ, đồng bộ các công cụ và nghiệp vụ quản lý nợ công; nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nợ công theo mô hình phù hợp.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định cụ thể nội dung cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, tổ chức sắp xếp lại bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, tập trung; đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công lập, thúc đẩy xã hội hoá, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho phát triển. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
2- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; khu vực hành chính, sự nghiệp công lập; về quản lý giá, tài chính, đầu tư, kế toán, kiểm toán...; rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.
3- Ban cán sự đảng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ sau:
3.1- Bộ Tài chính chủ trì triển khai các nội dung liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.
3.2- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; đ ẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công .
3.3- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả của các doanh nghiệp, bảo đảm nhất quán với việc quản lý nợ công, nợ quốc gia; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém .
3.4- Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, đôn đốc, kiến nghị giải pháp tiếp tục tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, xác định rõ trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công, trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
3.5- Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo phạm vi trách nhiệm được giao.
4- Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc học tập, quán triệt Nghị quyết, chỉ đạo công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn trong cả hệ thống chính trị và toàn dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thực hành tiết kiệm, tổ chức học tập, quán triệt trong đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết.
5- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ