UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là TP sẽ xây dựng cơ chế loại bỏ, bãi miễn, thuyên chuyển những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín...
Làm không được, bố trí chỗ khác
Tại buổi họp báo kinh tế-xã hội ngày 2-12, thông tin thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói: Cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật thì lâu nay vẫn xử lý theo quy định, quy trình. “Nhưng nếu chúng ta làm vậy thì giải quyết rất chậm, rất lâu và không có tính thời sự, không có tính nhắc nhở và cũng không tạo ra được động lực để đội ngũ cán bộ hành động tốt hơn” - ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, đánh giá cán bộ là công việc phải làm thường xuyên chứ không phải đợi đến cuối năm mới ngồi lại đánh giá. Trong mỗi cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong luôn đánh giá, nhắc nhở từng vị lãnh đạo, nhắc nhở có địa chỉ cụ thể chứ không phải chung chung. Đó là một giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ công việc.
Ông Hoan cho rằng giải pháp hiệu quả nhất TP vẫn đang áp dụng là thuyên chuyển cán bộ kịp thời chứ không phải chờ đến khi xảy ra hậu quả xấu mới xử lý. “Làm không được thì xin mời anh chuyển qua chỗ khác. Ví dụ chỗ đó phức tạp, là điểm nóng nhưng cán bộ hiền quá, chưa đủ sức quán xuyến thì bố trí cho anh làm việc khác phù hợp hơn. Thực tế, trong năm qua có vài trường hợp như thế” - ông Hoan nói.
Cải cách hành chính là một trong những bước đột phá của TP.HCM. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD
Đưa 11.200 người đi cai nghiện
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến công tác cai nghiện, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết qua rà soát cơ quan chức năng đã phát hiện trên toàn địa bàn có 26.000 người liên quan tới chất ma túy và qua kiểm tra phát hiện 19.000 người dương tính. TP đã đưa 11.200 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc ở 12 cơ sở cai nghiện.
Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định đến giờ này tại TP.HCM chưa có trường hợp học viên cai nghiện bỏ trường mang tính tập thể. “Tôi tin rằng trong tương lai TP cũng sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng trốn trại như các tỉnh, thành lân cận” - ông Hoan nói.
Lý giải về điều này, ông Hoan cho biết có tám nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là do cơ sở vật chất của các trung tâm được quan tâm đầu tư tốt. Đội ngũ giáo viên rất tâm lý, nhiệt tâm, có kiến thức, biết cách ứng xử, ứng phó trong nhiều tình huống để giúp đỡ học viên. Các cơ sở cai nghiện của TP cũng không bị quá tải. Đặc biệt, các trung tâm thường tăng cường giao tiếp, động viên, chia sẻ với những học viên cộm cán… “Chúng ta quản lý vừa mềm vừa rắn. TP chú trọng đến việc rèn luyện thể chất, thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục ý thức cho các học viên đã góp phần giảm bớt ức chế của các em” - ông Hoan nói.
Hướng sắp tới, ông Hoan cho biết TP sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn cho các cơ sở cai nghiện, tạo mọi điều kiện cho học viên được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, có chính sách riêng cho người làm công tác cai nghiện…
10.000 người (trong tổng số 11.200 người đang bị đưa vào 12 trung tâm cai nghiện) không có nơi cư trú ổn định. Đáng lưu ý, có gần 60% trong số các học viên đang cai nghiện tập trung là người nghiện ma túy tổng hợp. __________________________________ Trong một bộ máy, khi khâu nào chưa đảm bảo thì phải sớm có phương án thay thế. Có vậy thì guồng máy mới hoạt động tốt. Để làm được điều này đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết đoán của người đứng đầu. Lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành cần mạnh dạn thấy cán bộ yếu kém thì phải thuyên chuyển ngay. Thuyên chuyển là cách làm nhẹ nhàng và rất dễ, phải lan tỏa cách làm này đến từng sở, ngành, quận, huyện. Ông VÕ VĂN HOAN, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM |
TÁ LÂM
Theo Báo Pháp luật TP.HCM