Đề xuất xác minh tài sản cán bộ trước khi bổ nhiệm

09/12/2016 08:19 AM

Ngày 8/12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội nghị đánh giá thực thi công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng phát biểu tại hội nghị

Chống tham nhũng - “còn nhiều việc phải làm”

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng vẫn còn “nhiều việc phải làm”.

Thông tin tại hội nghị, ông Francesco Checchi, cố vấn về phòng chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương UNODC cho biết, hiện tham nhũng được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của xã hội và thế giới. Ước tính có khoảng 2,6 nghìn tỷ USD đang bị đánh cắp hàng năm thông qua tham nhũng - một khoản tiền tương đương với hơn 5% của GDP toàn cầu. Ở các nước đang phát triển, ước tính số tiền bị thất thoát do tham nhũng bằng khoảng 10 lần số ngân sách dành cho viện trợ phát triển chính thức... Vì thế, giải quyết tận gốc nạn tham nhũng trở thành một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Về phía Việt Nam, việc thu hồi tài sản tham nhũng được coi là “mục tiêu thiết yếu”, còn phòng ngừa tham nhũng là “trụ cột căn bản”. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, trong 10 năm từ 2006-2016, đã có 918 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 800 người bị xử lý kỷ luật, 118 người bị xử lý hình sự. Nhưng bên cạnh đó, còn một số vụ án lớn chưa quy được trách nhiệm và xử lý, vẫn còn tình trạng bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh, cũng như xuất hiện tình huống xung đột lợi ích của người đứng đầu.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng dù đã phối hợp, tương trợ để thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản rất thấp, chỉ mới thu hồi được dưới 10% tài sản tham nhũng. Theo ông Hùng, việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn do phải thực hiện qua kênh duy nhất là truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản. “Thực tế này khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản”, ông Hùng nói và ví von: “Thu hồi tài sản tham nhũng để lâu thì rất khó, giống như một người làm đổ nước xuống đất, càng để lâu nước càng thấm xuống dưới và rất khó thu lại”.

Ngăn chặn việc che giấu, chuyển dịch tài sản

Ông Hùng cho biết, có những vụ án mà hành vi tham nhũng đã thực hiện nhiều năm trước, đối tượng thay đổi nơi công tác, số tiền tham nhũng đã sử dụng các mục đích khác nhau, tiêu xài cá nhân hoang phí nên đến khi có xét xử, rõ bản án thì tài sản không còn.

Để tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn các trường hợp tham nhũng tẩu tán tài sản ra nước ngoài, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho rằng, đề xuất cần tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, xử lý các cán bộ, công chức ở cấp lãnh đạo trong kê khai tài sản. “Kể cả với các lãnh đạo nguồn, nghĩa là những người chuẩn bị được đề bạt, bổ nhiệm cũng cần phải xác minh tài sản rõ ràng”, ông Hùng nêu quan điểm và cho hay, hiện Dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã quy định bổ sung quyền hạn cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tài sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán, che giấu hoặc chuyển dịch tài sản tham nhũng.

Lãnh đạo Cục Chống tham nhũng cũng đề nghị đẩy mạnh ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, hay có cơ chế khuyến khích thu hồi tài sản tham nhũng bằng giảm án, miễn án tử hình… Ví dụ, trong quá trình điều tra các vụ án, nếu đối tượng thành khẩn khai báo, nộp 3/4 số tài sản tham nhũng thì có thể miễn thi hành án tử hình…

Ông Shervin Majlessi, cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quy trình truyền thống theo phán quyết của tòa án thường ít mang lại hiệu quả. Vì thế, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng tịch thu tài sản theo thủ tục dân sự mà “không cần tuyên án” (NCB). “Ở Hoa Kỳ, trong một vụ mới đây nhất, nếu chờ quan tòa phán quyết sẽ mất rất nhiều thời gian, nên họ sử dụng biện pháp NCB để tịch thu khoản tiền tham nhũng hơn 1 tỷ USD. Nhưng nếu sử dụng biện pháp này phải có cơ chế để tránh tình trạng lạm dụng”, ông Shervin Majlessi dẫn chứng.

Hoài Vũ

Theo Báo giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,512

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]