Đó là đề xuất vừa được Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội - cho biết và khẳng định sẽ áp dụng càng sớm càng tốt.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho hay, đề xuất này được đặt ra trong bối cảnh phương tiện cá nhân là xe ô tô đang gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên tình hình giao thông hiện nay.
Theo Trưởng phòng PC67 Hà Nội, Chính phủ và các Bộ ngành cần có quy định về việc mỗi công dân được đăng ký 1 biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó của mình.
“Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và 1 biển số, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh.
Với trường hợp công dân bán xe và không định sử dụng nữa thì có thể thông báo tới cơ quan công an địa phương để làm các thủ tục xóa sổ số đăng ký đó. Quy định này đang được áp dụng với người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, làm thủ tục đăng ký xe để lưu hành ở nước sở tại nhưng khi rời Việt Nam thì người nước ngoài phải thông báo cho cơ quan chức năng để xóa sổ số đăng ký xe.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội
Cùng đó, Trưởng phòng PC67 Hà Nội cũng đề cập đến đề xuất về quy định trước khi đăng ký phương tiện thì công dân phải có tài khoản ngân hàng. Việc mở tài khoản được xem là điều kiện bắt buộc để đăng ký xe nhằm phục vụ cho phương tiện và chủ phương tiện.
“Vi phạm giao thông của người lái xe sẽ được xác định qua hình ảnh camera, các tài liệu chứng minh vi phạm, sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt hành chính qua tài khoản chứ không cần mời lái xe lên làm việc, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và tránh phiền hà cho người dân khi phải đi lại nhiều lần trong quá trình xử lý vi phạm. Để thực hiện được thì phải có quy định về số tiền duy trì trong tài khoản thì mới được đăng ký xe, siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện.” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.
Trong trường hợp tài khoản của chủ phương tiện hết tiền, dù được thông báo về việc nộp phạt mà chủ phương tiện cố tình không nạp tiền vào tài khoản thì cơ quan chức năng sẽ truy tận cùng chiếc xe vi phạm và cấm xe vi phạm lưu hành.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi phương tiện cá nhân đang gia tăng nhanh, việc áp dụng quy định mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số và chủ xe phải duy trì tài khoản được thực hiện càng sớm càng tốt.
“Việc mở tài khoản khi đăng ký xe và áp dụng quy định mỗi công dân sử dụng 1 biển số đã được nhiều nước thực hiện, đề xuất này cũng được kiến nghị nhiều năm” - Đại tá Đào Vịnh Thắng thông tin.
Đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu 1 biển số xe nhằm hạn chế phương tiện cá nhân
Ngoài ra, người đứng đầu PC67 Hà Nội cũng kiến nghị siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với việc cấp Giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, chỉ cấp GPLX thời hạn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay, sau 5 năm phải thực hiện đổi GPLX. Lý do là vì 10 năm GPLX có hiệu lực nhưng trong 10 năm khó kiểm soát được người sở hữu GPLX về tình trạng sức khỏe, năng lực lái xe.
“Đề nghị việc cấp GPLX cho công dân sẽ có Bộ Công an chủ trì. Khi đào tạo, sát hạch và cấp GPLX phải kèm theo điểm của GPLX đó để nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm trên GPLX đó. Vi phạm giao thông càng nghiêm trọng thì số điểm trừ đi càng nhiều, nếu trừ hết điểm thì phải học lại từ đầu và thi lấy GPLX mới, với trường hợp nghiêm trọng thì phải đình chỉ lái xe vĩnh viễn” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh
Theo Dân trí