Sửa đổi toàn diện Luật Tố cáo

15/03/2017 08:10 AM

Sáng 14-3, Phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN

Phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về năm dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu là tại Kỳ họp thứ hai của QH gồm: Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Quản lý ngoại thương. Đồng thời xem xét cho ý kiến bốn dự án Luật sẽ trình QH xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ ba sắp tới: Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi). Cũng tại phiên họp lần này, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết: Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của QH, Ủy ban TVQH, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 3-7-2007 của Ủy ban TVQH và Quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu QH. Đồng thời cho ý kiến bốn nội dung quan trọng khác.

Thảo luận về Luật Tố cáo, các đại biểu cho rằng, sau hơn bốn năm triển khai đã bộc lộ những hạn chế, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, do đó, Ủy ban TVQH nhất trí cần sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo.

Một số đại biểu cho rằng, nội dung của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) vẫn chưa được rõ ràng, còn nhiều bất cập ngay cả trong quy định nội dung của luật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức tố cáo khác, như tố cáo qua fax, e-mail, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử... nhằm tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo xem xét bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa hai Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng để các quy định Luật Tố cáo không làm vô hiệu hóa các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định về các hình thức tố cáo này, trong khi Chính phủ đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, nếu dự luật không mở ra hình thức tố cáo như qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử... thì không đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng nếu bổ sung hình thức tố cáo này, cần có quy định chặt chẽ, tuân thủ đúng luật. Việc gửi tố cáo bằng tin nhắn, e-mail thì phải đúng người, đúng cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải gửi tràn lan...

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, đại biểu Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Việc quy định này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

Đầu giờ chiều, sau khi tổng hợp, thống nhất ý kiến của các đại biểu, Ủy ban TVQH nhất trí thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của QH, Ủy ban TVQH, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139 của Ủy ban TVQH).

Thảo luận về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), đa số ý kiến cho rằng chính sách phát triển du lịch được quy định tại Điều 5 còn chung chung, đề nghị bổ sung một số chính sách đặc thù, bảo đảm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn: đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm; chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực, chính sách đầu tư vào các sản phẩm du lịch như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; chính sách xã hội hóa phát triển du lịch; phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Theo Báo nhân dân điện tử

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,642

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]