Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) bày tỏ quan tâm vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm.
“Vụ việc ở xã Đồng Tâm nếu như không có phản kháng gay gắt của người nông dân và nếu như người đứng đầu TP Hà Nội không trực tiếp đối thoại với dân thì biết bao giờ tiếng nói của dân mới đến tai lãnh đạo thành phố?”.
Từ sự việc này, cử tri đề nghị QH giám sát quá trình quy hoạch và thực hiện các dự án tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội chứ không chỉ với dự án lớn từ ngân sách Nhà nước. Như việc Thủ tướng mới đây dừng dự án thép Cà Ná cũng do các phản biện và áp lực từ dư luận.
Cử tri Lê Văn Sỹ (quận 4) cũng chất vấn tương tự: “Vụ việc ở Đồng Tâm tại sao để kéo dài không giải quyết đến khi người dân bức xúc, bắt giữ công an gây sức ép lên chính quyền rồi mới giải quyết”.
Ông Sỹ mong muốn Đảng, Nhà nước xem xét lại các dự án đã và đang thực hiện có ảnh hưởng đời sống người dân.
“Cái gì người dân đồng ý mới được thực hiện”, ông Sỹ nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu thực trạng khiếu kiện, tranh chấp về đất đai đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Vấn đề quan trọng là phải nắm chắc tình hình, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao để xảy ra tình trạng đó. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp giải quyết có hiệu quả có tình, có lý.
"Muốn vậy, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời, cũng phải giải thích cho dân hiểu được những chủ trương chính sách, quyết định của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở để tạo nên sự đồng thuận", Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh phải luôn giữ nghiêm kỷ cương phép nước nhưng đồng thời cũng phải mở rộng dân chủ, phải gần dân, sâu sát dân để lắng nghe ý kiến người dân, tìm hiểu ngọn nguồn nguyên nhân sự việc.
“Chúng ta cũng không đồng tình với việc gây áp lực bằng cách giữ cán bộ. Nhưng chúng ta phải rút kinh nghiệm việc này. Phải đối thoại, trao đổi với người dân để tạo sự đồng thuận”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Đối với sự việc tại Đồng Tâm, Chủ tịch nước cho biết "đang chỉ đạo TP Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ việc", từ nguyên nhân, quá trình xử lý đến bài học rút ra.
Cấm ngay xe máy là nóng vội
Liên quan kiến nghị gần đây về việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông, cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3) đề nghị chưa thực hiện chính sách này.
Cử tri TP.HCM
“Suy cho cùng bất kỳ việc gì cũng phải lấy dân làm gốc. Một số trường hợp vì nóng vội, xúc phạm đến người dân. Tôi cho rằng khoan hãy cấm xe máy vì mình chưa có khả năng hoàn chỉnh mạng lưới xe buýt và chưa thể cấm ngay việc sản xuất xe máy. Phải bình tĩnh sáng suốt, không thể bắt học sinh tiểu học nhảy vọt lên học đại học”, ông Châu phát biểu.
Cử tri Lê Minh Số (quận 1) lại đồng tình giảm xe gắn máy như một chủ trương sáng suốt, nên làm nhưng phải theo lộ trình.
“Tại sao người dân quay lưng với xe buýt? Vì xe buýttrễ giờ, chạy chậm, vì đường đã đặc kín xe máy và xe buýt không chạy được”, ông Số nói.
Cử tri cho hay phải nghiên cứu từng bước, phân luồng riêng cho xe máy và xe buýt. Bên cạnh đó, chính quyền phải tuyên truyền để người dân tin dùng các phương tiện giao thông công cộng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh an toàn giao thông, ùn tắc giao thông là vấn đề toàn cầu, nhiều nước gặp phải và đang xử lý chứ không chỉ riêng Việt Nam. Hạn chế, cấm xe máy cũng chỉ là đề xuất, một ý kiến đưa ra.
"Chúng ta tính toán xem có khả thi không, nếu khả thi thì phải có lộ trình cụ thể chứ không phải cấm ngay. Cấm ngay là nóng vội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhiều vấn đề khác được cử tri nêu tại buổi tiếp xúc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu đối với những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM thì chính quyền địa phương phải khẩn trương giải quyết, không để kéo dài gây phiền hà cho người dân.
Chủ tịch nước đánh giá các ý kiến cử tri đều rất tâm huyết, thẳng thắn và sâu sắc và cá nhân ông hết sức đồng tình vì đó là những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống.
Anh Thư
Theo Vietnamnet