Chiều 15.5, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) với 1.912 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các tỉnh phía nam.
Tại hội nghị, PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thông tư có hiệu lực từ ngày 1.6.2017 áp dụng cho đối tượng không tham gia BHYT và người có thẻ BHYT nhưng không sử dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện ngay thời điểm 1.6.
Bộ Y tế sẽ quy định thời gian thực hiện với các BV trực thuộc Bộ và BV thuộc bộ, ngành từ hạng 1 trở lên. Tại các địa phương sẽ do HĐND địa phương quy định, kể cả BV bộ ngành từ hạng 2 trở xuống. HĐND các địa phương có thể quy định giá mới bằng hoặc thấp hơn mức giá tối đa. Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8.2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10.2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12.2017. TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10.2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 8.2017.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết thêm giá khám bệnh với người không có thẻ BHYT áp dụng từ ngày 1.6 ngang bằng với giá khám bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo đó, BV hạng đặc biệt, hạng 1: 39.000 đồng; BV hạng 2: 35.000 đồng; BV hạng 4: 31.000 đồng; BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực: 29.000 đồng/lần khám. Thông tư 02 còn quy định thêm giá khám bệnh tại trạm y tế xã là 19.000 đồng/lần khám. Người bệnh đến cơ sở y tế khám, có thể khám chuyên khoa thứ 2 hoặc trong ngày chưa khám xong phải chuyển sang khám hôm sau thì giá khám lần 2 được tính bằng 30% so với giá ban đầu. Người bệnh nằm ghép 2 người trở lên BV chỉ được thu 50%, nằm 3 người/giường thì chỉ được thu 30%. Ngoài ra, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (thực hiện từ các trang thiết bị từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn vay) do giám đốc BV quyết định.
“Lâu nay nhà nước bao cấp ngược, tức cho người có điều kiện kinh tế nhưng không có thẻ BHYT. Đúng ra là việc giá tính đúng, tính đủ cho đối tượng này phải đi trước”, PGS-TS Tuấn nói và cho biết thêm hiện còn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nhưng việc bao phủ là không dễ. Do vậy việc thực hiện Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT đông đủ hơn, thể hiện tinh thần chia sẻ, đảm bảo an sinh xã hội. Cũng theo PGS-TS Tuấn, nếu không tham gia BHYT khi gặp rủi ro sẽ khó khăn.
Ông Nguyễn Nam Liên giải thích, có 4 yếu tố cấu thành giá: chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản. Theo lộ trình thì từ năm 2016 tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương; từ năm 2018 tính thêm chi phí quản lý; từ năm 2020 sẽ tính đầy đủ 4 yếu tố trên. Ông Liên cho biết mức giá theo Thông tư 02 là mức giá tối đa, các địa phương có thể quy định thấp hơn, nhưng khuyến khích áp dụng giá tối đa để tạo công bằng cho mọi người.
* Cùng ngày 15.5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN và Bộ Y tế đã ký kết và bàn giao, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Toàn bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên phạm vi cả nước với tổng số 92.809.519 bản ghi với các trường dữ liệu về: thông tin cá nhân (nơi cấp giấy khai sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ), số định danh, đã tham gia hoặc chưa tham gia BHYT, mã thẻ BHYT, mã đối tượng tham gia BHYT...; toàn bộ dữ liệu danh mục hành chính bao gồm danh mục tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, xóm và danh mục đối tượng tham gia BHYT trong phạm vi cả nước.
Bộ Y tế sử dụng dữ liệu này vào mục đích quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chủ trương mỗi người dân đều được quản lý sức khỏe theo hồ sơ. Trên cơ sở đó, đảm bảo mỗi người dân trong tương lai gần sẽ có một bác sĩ hoặc một cơ sở y tế quản lý, chăm sóc, tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở; giúp Bộ Y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe của nhân dân tốt hơn.
Duy Tính - Liên Châu
Theo Thanh niên