Trước khi bắt đầu bài phát biểu, luật sư (LS) Trương Trọng Nghĩa cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các thành viên Ban soạn thảo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội “đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một dự án luật rất quan trọng đối với xã hội”.
Pháp Luật TP.HCM lược ghi bài phát biểu đầy tâm huyết và lý lẽ của LS Trương Trọng Nghĩa.
Tăng thời gian thảo luận
Điều tôi rất tiếc là thời gian bố trí không thích hợp. Cuối ngày thứ Hai mới gửi cho đại biểu và thứ Tư đã phải đăng đàn phát biểu. Lẽ ra nên dành một ngày thảo luận tổ để đại biểu làm quen với dự thảo luật, rồi sau đó mới thảo luận tại hội trường như cách thức thông thường với các dự luật khác.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải tăng thời gian thảo luận tổ và thảo luận tại nghị trường đối với dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Ảnh: CHÂN LUẬN
Thời gian đọc dự thảo còn không đủ, lấy đâu ra thời gian để góp ý sâu. Thử hỏi bao nhiêu đại biểu Quốc hội trong hội trường đã đọc đầy đủ dự thảo luật này và làm sao trong vòng bảy phút để có thể góp ý cho một dự luật quan trọng như dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.
Có những điểm sửa chữa do cập nhật tình hình lẽ ra phải lấy ý kiến rộng rãi hơn, chí ít là trong đại biểu Quốc hội chứ không chỉ trong Ban soạn thảo cũng như các ban, ngành liên quan. Nhưng rất tiếc đã không làm được như vậy.
Một số đại biểu Quốc hội đã được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, đã có thực tiễn lập pháp hoặc hành nghề hàng chục năm, cùng tham gia sửa đổi, bổ sung dự luật tại Quốc hội khóa XIII mà còn thấy chới với, không đủ thời gian. Huống gì những đại biểu Quốc hội khóa XIV mới chỉ tiếp xúc dự thảo luật có một vài lần.
Tuy vậy, điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh. Tôi đề nghị dành ít nhất một ngày để thảo luận tổ trong tuần thứ ba của kỳ họp, dành một ngày thứ Bảy để thảo luận tại hội trường trước khi bấm nút thông qua.
Xét thấy tầm quan trọng của BLHS đối với một quốc gia, chỉ sau Hiến pháp, tôi đề nghị Quốc hội chấp thuận đề nghị này.
Tố giác là trái nguyên tắc suy đoán vô tội
Tôi là một trong bốn LS là đại biểu Quốc hội khóa XIV, đồng tình với ý kiến của LS Nguyễn Văn Chiến cũng như LS Đỗ Ngọc Thịnh, là phó chủ tịch và chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam về quy định tố giác tội phạm tại điều 19 trong dự luật.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói phải xem lại quy định luật sư phải tố giác tội phạm. Ảnh: CHÂN LUẬN
Dự luật đánh đồng người bào chữa là LS và người bào chữa không phải là LS. Người bào chữa là LS bị chi phối bởi rất nhiều điều: Đi học đại học bốn năm, học nghề 12 tháng, chịu sự điều chỉnh của Luật LS, điều lệ LĐLS Việt Nam, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Người bào chữa là LS chịu nhiều ràng buộc trong khi đó người bào chữa không phải là LS không chịu ràng buộc.
Tôi băn khoăn: LS đi tố cáo thân chủ thì trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo nguyên tắc này, một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có một bản án buộc tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Việc chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra, công tố. Chính người phạm tội cũng không cần phải chứng minh mình vô tội.
Vậy nếu LS tố giác thân chủ, dù có bằng chứng thì cũng đã góp phần với công tố để buộc tội thân chủ của mình. Điều này trái với nghĩa vụ công dân và nghĩa vụ của nghề LS.
Một khi LS tố giác thân chủ thì cũng vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Vì theo Hiến pháp và BLTTHS thì bị can, bị cáo không buộc phải khai báo những điều chống lại mình, bất lợi cho mình và không buộc phải nhận tội trong khi LS lại đi tố giác họ.
LS đi tố giác thân chủ cũng trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của LS là gỡ tội.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói: "Nếu buộc luật sư tố giác tội phạm thì bị can, bị cáo nào dám chấp nhận luật sư được chỉ định?".
Việc buộc LS tố giác tội phạm sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh trong quá trình hội nhập. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảnh giác với LS Việt Nam vì họ biết rằng LS Việt Nam sẽ phải đi tố giác họ, nếu không các LS Việt Nam bị khởi tố hình sự. Ở các nước khác, quan hệ LS - thân chủ là quan hệ được đặc quyền bảo mật.
Quy định LS phải tố giác thân chủ có thể sẽ gây hoang mang và nhiều người không muốn làm LS.
Nếu phải giữ điều luật này, tôi đề nghị phải làm rõ: Nếu người bào chữa biết rõ và đầy đủ chứng cứ và nếu việc không tố giác sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Phải quy định rõ như vậy chứ không phải chỉ biết sơ sơ thôi mà đã phải tố cáo.
CHÂN LUẬN
Theo Báo Pháp luật TP.HCM