Năm 2019 được phép sử dụng hợp đồng vận tải điện tử

12/06/2017 09:16 AM

Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, từ ngày 1/1/2019, đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.

Một khách hàng dễ dàng tìm taxi trong Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) thông qua ứng dụng Grab - Ảnh: Khánh Linh

Đưa “taxi công nghệ” vào diện quản lý

Theo đó, các hợp đồng vận tải điện tử phải được giao kết trên nền tảng website thương mại điện tử, ứng dụng mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác đã được đăng ký và thông báo với Bộ Công thương theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Đồng thời, các loại xe hợp đồng điện tử phải gắn phù hiệu, biển hiệu theo quy định và trước khi thực hiện hợp đồng điện tử để kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp như Uber, Grab... phải báo cáo cơ quan quản lý các thông tin liên quan đến chuyến đi thông qua phần mềm.

Giải thích về lợi ích khi áp dụng quy định này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện cả taxi và xe hợp đồng khả năng kết nối với hành khách chậm, hay nói cách khác là cung và cầu khó gặp nhau. Trong khi đó, Uber, Grab xuất hiện đã khắc phục được nhược điểm này bằng việc ứng dụng phần mềm kết nối cung - cầu, hành khách tìm xe và xe tìm khách nhanh, dễ dàng hơn.

Dẫn chứng cụ thể về loại hình xe taxi truyền thống, sử dụng bộ đàm trên nền sóng chung, “đóng địa chỉ” tranh giành khách, gây mất ATGT và chỉ có một xe đón được khách, ông Ngọc khẳng định: “Xe ứng dụng phần mềm công nghệ sẽ chỉ chọn một xe gần khách nhất, hợp lý nhất để đón khách. Cùng với đó, tính an toàn cũng cao hơn. Tỷ lệ xe chạy có khách đối với xe ứng dụng phần mềm lên đến 90%, trong khi tỷ lệ này ở xe truyền thống chỉ khoảng 50%”.

 “Nghị định 86 quy định, xe hợp đồng trên xe phải có hợp đồng bằng giấy, nhưng trong Luật Giao dịch điện tử cũng quy định, có thể sử dụng các hợp đồng điện tử nếu hợp đồng này thay cho hợp đồng giấy đảm bảo nội dung và có thể truy cập được bất cứ khi nào như hợp đồng giấy. Trên cơ sở này, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm điện tử kết nối hành khách. Đây là việc cần thiết để ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần cuộc cách mạng 4.0”, ông Ngọc nói.

Có lo cạnh tranh bất bình đẳng?

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, thực tế đã phát sinh nhiều loại hình mới, ngoài xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định, hiện nay còn có thêm Limousine rồi Uber, Grab. Với Uber, Grab, đó là việc ứng dụng công nghệ cao vào kinh doanh vận tải. Nhiều người cho rằng, đó là kinh tế chia sẻ chứ không phải taxi, nhưng thực sự nó là taxi, chỉ khác mỗi cái là ở hợp đồng.

 “Thực tế Uber, Grab xuất hiện đã chia sẻ và góp phần hạn chế xe cá nhân, tận dụng phương tiện nhàn rỗi trong dân và hình thành một loại hình vận tải, không phải kinh doanh trên thông tin điện tử. Hiện, số lượng xe hai loại này gấp đôi xe taxi truyền thống, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, gây áp lực giao thông rất lớn”, ông Thanh nói.

Về lo ngại này, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, hiện nay có nhiều người gọi xe sử dụng phần mềm Uber, Grab, hay một số phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam xây dựng như: Vinasun, Mai Linh, Thành Công là taxi điện tử. “Cách gọi này chúng tôi cho rằng chưa chính xác vì bản chất dịch vụ Uber, Grab là phần mềm kết nối cung - cầu, khách hàng có thể kiểm soát thông tin về xe đi lại. Vấn đề đặt ra là giữa các loại hình này có cạnh tranh bình đẳng không? Tôi khẳng định, không có gì bất bình đẳng, vì trước khi có Grab, Uber, xe hợp đồng và taxi đã tồn tại và được Sở KH&ĐT cấp giấy phép kinh doanh, Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải và dán phù hiệu”, ông Ngọc nói và cho rằng, xe hợp đồng cũng được quản lý tương tự, có phù hiệu xe hợp đồng. Vì vậy, không thể nói là kinh doanh không bình đẳng. Về vấn đề thuế, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn. Vì vậy, trong lần sửa đổi nghị định lần này, chúng tôi mạnh dạn đưa xe hợp đồng được sử dụng hợp đồng điện tử.

Về lo ngại số lượng phương tiện gia tăng, ông Ngọc cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản chỉ đạo nêu rõ, yêu cầu UBND TP trực thuộc T.Ư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch phương tiện vận tải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật GTĐB năm 2008. “Đối với Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, tại Điều 38, Khoản 5, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chúng tôi cũng đã đưa vào. Vì vậy, số lượng Grab, Uber cũng do các địa phương cùng tham gia quy hoạch”, ông Ngọc khẳng định.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết thêm, hợp đồng điện tử chỉ là “bề nổi”, chỉ giải quyết được vấn đề giữa hành khách và xe. Vấn đề là giữa xe với cơ quan quản lý nhà nước, Nhà nước quản lý hợp đồng điện tử như thế nào? Vì vậy, phải đưa được hệ thống quản lý xe hợp đồng như App (ứng dụng) của Grab, Uber hay các ứng dụng tương tự. Về nguyên tắc, hợp đồng phải ký kết trước khi xe chạy và phải khai báo với cơ quan chức năng và thông tin nào phải theo quy định tại Nghị định 86 và Thông tư 63. “Dù hợp đồng điện tử hay bằng giấy phải quản được số lượng hành khách, hành trình của khách”, ông Hùng nói.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, trước đây hợp đồng vận tải được áp dụng bằng giấy. Tới đây để tiện dụng hơn, nghị định thay thế Nghị định 86 cho phép ứng dụng hợp đồng điện tử và có giá trị như hợp đồng giấy. “Hàng không đã bán vé điện tử, check-in qua mạng. Khi đưa những thiết bị, công nghệ vào quản lý vận tải sẽ có các trung tâm điều hành quản lý, theo dõi, giúp giảm bớt nhân lực điều hành trực tiếp. Ở một số nước phát triển, họ quản lý giao thông của một thành phố mà chỉ có 4-5 người điều khiển hệ thống thiết bị hiện đại, họ biết hết hoạt động của các xe, vi phạm thế nào. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hệ thống giao thông”, Thứ trưởng khẳng định.

Trần Duy

Theo Báo giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,551

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]