Riêng đối với những trường hợp sau đây thì không được phép công khai bản án, quyết định giải quyết vụ việc:
- Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định tại Nghị định 33/2002/NĐ-CP, Thông tư 33/2015/TT-BCA, Quyết định 01/2004/QĐ-TTg hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình Tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;
- Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;
- Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
- Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP;
- Bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị toàn bộ hay một phần.
Việc mã hóa bản án được thực hiện như sau:
- Người TGTT như bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện… được mã hóa tên bằng sử dụng ký tự đầu tiên trong tên của cá nhân, pháp nhân đó. Ví dụ: Nguyễn Văn A, Lê Thị T, Công ty TNHH HB…
- Nếu có 2 người TGTT trở lên trùng tên thì có thể thêm số để phân biệt. Ví dụ: Phan Hoài H1, Phan Hoài H2…
- Trường hợp họ có cùng địa vị pháp lý như người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan… có thể chia thành nhóm như sau: NLC1, NLC2, NLC3…
Hân Nguyễn