Thảo luận về Tờ trình của Chánh án TANDTC về đề nghị ban hành Nghị quyết về thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán các TAND, các thành viên Ủy ban cơ bản ủng hộ chủ trương về trang phục xét xử riêng của Thẩm phán; đóng góp ý kiến một số vấn đề về chất liệu, kiểu dáng; trong đó, nhấn mạnh đường viền theo mẫu thí điểm chưa phân biệt rõ được ngạch Thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, với vị trí của Thẩm phán trong xã hội cũng như vai trò của Thẩm phán trong cải cách tư pháp, việc thay đổi trang phục xét xử của Thẩm phán so với hiện hành là rất cần thiết. Điều này thể hiện sự trang nghiêm, vì khi Thẩm phán xét xử là nhân danh Nhà nước để bảo vệ công lý nên việc Thẩm phán có trang phục riêng là phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và thông lệ quốc tế.
Trước đó, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết về việc thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án các cấp là áo choàng dài tay màu đen phù hợp cho từng ngạch Thẩm phán. TANDTC đã thực hiện thí điểm tại một số đơn vị Tòa án ở các cấp như TANDTC, các TAND cấp cao và TAND hai cấp một số tỉnh, thành phố. Qua thực hiện thí điểm tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền trên cả nước cho thấy, có sự đồng thuận của đa số Thẩm phán, dư luận, các cơ quan và tổ chức liên quan cũng như những người tham dự phiên tòa.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đề nghị UBTVQH cho phép áp dụng thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán các TAND là áo choàng dài tay màu đen; dự kiến thời điểm bắt đầu thực hiện trên phạm vi cả nước từ 1/1/2018. Niên hạn sử dụng là 5 năm/2 chiếc/Thẩm phán.
Trang phục của thẩm phán TAND
Cùng ngày, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về Đề án vị trí việc làm của ngành Kiểm sát.
Đối với công tác thực hiện đề án, trên cơ sở tổng biên chế được giao, từ nay đến năm 2021, VKSNDTC chỉ đạo VKSND các cấp triễn khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, phấn đấu đến năm 2021 tinh giảm ít nhất 10% tổng biên chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đồng thời trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về tổng biên chế của VKSND; bổ sung số lượng KSV, ĐTV các ngạch và cán bộ điều tra trong tổng số biên chế nêu trên để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ công chức VKSND các cấp.
Theo Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Đề án có xác định nhu cầu bổ sung tối thiểu 1.656 biên chế (trong trường hợp không thực hiện chủ trương tinh giản), tăng thêm 10,4% số lượng biên chế hiện nay. Nhu cầu cần tăng biên chế hay không, tăng cụ thể bao nhiêu cần được tính toán kỹ trên cơ sở vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí việc làm, khối lượng công việc thực tế, các điều kiện ảnh hưởng… Nhóm nghiên cứu đề nghị, trước mắt chỉ trình UBTVQH cho ý kiến về Đề án.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho rằng, các nội dung này cần được xem xét thận trọng trong các lần trình UBTVQH quyết định biên chế của VKSND các cấp sau này, để bảo đảm đủ số biên chế cho các VKSND hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, vẫn bảo đảm bộ máy, biên chế tinh gọn theo chủ trương của Đảng.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập VKSND TP Sầm Sơn, Thanh Hóa và Tờ trình của Chánh án TANDTC về việc thành lập TAND TP Sầm Sơn, Thanh Hóa; đề nghị chuyển UBTVQH xem xét, thông qua các Tờ trình này. Theo đó, VKSND TP Sầm Sơn và TAND TP Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở kế thừa cơ cấu tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất… của VKSND thị xã Sầm Sơn và TAND thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa.
M.Thoa
Theo Báo Công lý