Trả lời chất vấn của các đại biểu
HĐND TP HCM về hiện tượng tiêu cực, mãi lộ của cảnh sát giao thông
(CSGT), lãnh đạo Công an TP HCM thừa nhận có hiện tượng này và bày tỏ
quyết tâm chống tiêu cực trong lực lượng này. Lãnh đạo Công an TP HCM
kêu gọi sự hợp tác của người dân, lái xe, xem xét miễn trách nhiệm hình
sự của người đưa hối lộ cho CSGT nếu bị o ép…
Trong khi đó, báo chí phản ánh nạn mãi lộ xảy ra trắng trợn ngày đêm
trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, làm dư luận cảm thấy quyết tâm
của ngành công an TP HCM vẫn chỉ là quyết tâm mà chưa có biện pháp phòng
chống tệ nạn này một cách hiệu quả. Trả lời trước Quốc hội trong kỳ họp
vừa qua, bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng hứa sẽ xây dựng lực
lượng CSGT ngày càng trong sạch, vững mạnh, kiêm quyết xử lý những
trường hợp vi phạm, thậm chí tước quân tịch, truy tố trước pháp luật đối
với những CSGT có hành vi tiêu cực.
Thời gian qua, lực lượng Thanh tra - Điều lệnh Bộ công an, Thanh tra đặc
biệt… cũng đã có những hoạt động chống tiêu cực trong ngành nhưng tệ
nạn tiêu cực, mãi lộ trong lực lượng CSGT vẫn chưa chuyển biến tích cực.
Đặc biệt Công an TPHCM còn có quy định mỗi CSGT khi làm nhiệm vụ không
được mang quá 100.000 đồng nhằm kiểm soát và chống các hành vi tiêu cực,
thế nhưng nạn mãi lộ vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Quy định này
được dư luận nhận định khác nhau, như có đại biểu HĐND TP.HCM cho là
“buồn cười”, khó đem lại hiệu quả (cách đây vài năm Công an TP Đà Nẵng
cũng có quy định tương tự nhưng đã bỏ vì thấy không hiệu quả). Vấn đề
quan trọng không phải là ở 100.000 đồng trong ví của mỗi CSGT mà là phẩm
giá của chính họ. Phải làm cho mỗi CSGT hiểu rằng hành vi mãi lộ, tiêu
cực là loại tội phạm có tính chất hình sự. Hành vi đó sẽ làm cho tai nạn
giao thông tăng lên, chi phí hàng hóa tăng cao, đường sá, cầu cống
nhanh hư hỏng do xe chở quá tải. Đặc biệt CSGT mãi lộ là hình ảnh quá
xấu xí, phản cảm trong xã hội văn minh; làm cho người dân nhìn CSGT
không mấy thiện cảm.
Dư luận không nghi ngờ quyết tâm của lãnh đạo ngành công an đối với tệ
nạn mãi lộ. Nhưng vì sao nhiều năm tệ nạn này không bị ngăn chặn hoặc ít
ra cũng có chuyển biến tích cực để người dân tin rằng ngành công an
quyết tâm chống tiêu cực? Tại sao nhà báo với phương tiện tác nghiệp đơn
giản vẫn có thể phát hiện nhiều vụ tiêu cực, trong khi ngành công an có
phương tiện hiện đại, lực lượng lại ít phát hiện? Những câu hỏi này đặt
ra để thấy rằng cần có những biện pháp quyết liệt hơn, thậm chí nên có
một “cuộc cách mạng” để hạn chế đến mức tối đa tệ nạn này trong lực
lượng CSGT.
Tất cả đều có thể làm được, miễn ngành công an có quyết tâm. Tệ nạn mãi
lộ, tiêu cực trong CSGT đã thành căn bệnh trầm kha, kéo dài trong nhiều
năm qua, gây bức xúc dư luận xã hội. Đã đến lúc ngành công an nên làm
một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực này. Đó cũng là cách bảo vệ, xây
dựng phẩm giá cho mỗi CSGT, xây dựng uy tín cho chính lực lượng CSGT.