Xôn xao đơn xin rời biên chế của cô giáo trẻ sinh năm 1994

04/09/2017 08:10 AM

Cô giáo Hoàng Kim Anh ( giáo viên trường mầm mon Pác Miau, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) quyết định xin nghỉ việc sau 1 năm theo nghề dù đã thi đỗ công chức. Lương của Kim Anh là 4,3 triệu đồng/tháng nhưng không đủ sống và phụ giúp gia đình, cô xin nghỉ ra làm kinh doanh.

Đăng hình ảnh lá đơn xin nghỉ việc viết tay kèm câu chuyện của mình lên mạng xã hội, cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Quyết định này khiến nhiều người bất ngờ, mẹ cô cũng nhiều lần can ngăn, phản đối.

Câu chuyện nghỉ việc kèm những dòng chú thích chia sẻ tâm trạng của Kim Anh khi đưa ra một quyết định không dễ dàng trở thành đã chủ đề bàn tán của nhiều diễn đàn về giáo dục.

Kim Anh

Với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng, cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (Cao Bằng) không đủ trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.

Cô giáo 9X viết: "Mình là giáo viên mầm non, đã vào biên chế và đang chuẩn bị nộp đơn xin nghỉ việc. Mình muốn làm những việc mình thích, lấy người mình yêu. Muốn ra thế giới bên ngoài bươn chải thêm một chút nữa, muốn gặp gỡ và tìm đúng người mình yêu, chứ không muốn gò bó ổn định luôn bây giờ.

Nhưng mẹ mình bảo mình mà không có một công việc ổn định thì sẽ không lấy được người chồng tốt, sau này còn tương lai con cái. Mình mà cứ nay làm việc này, mai làm việc khác thì mọi người khinh thường.

Nhưng mình lại thấy khác. Lúc mình chưa đi làm mà ở nhà kinh doanh, cũng có nói chuyện với 1 - 2 người gì đó, nói chuyện vài câu rồi từ lúc biết nhà mình là mất hút luôn (nhà mình không khá giả, bố mẹ lại li dị), biết thế nên mình cũng kệ. Rồi từ lúc đi làm, thì cũng có một vài người theo đuổi nhưng mình cứ thấy nó làm sao đó, nó không thật lòng, nó gượng gạo lắm. Như kiểu đến tuổi thì phải kết hôn, tìm một người việc làm ổn định cưới bừa đi là được. Mà mình thì không muốn như thế.

Nên là giờ mình viết đơn này định chiều nay sẽ nộp. Mình sẽ ra ngoài bươn chải, kiếm việc làm để học hỏi kinh nghiệm và sau này sẽ tự mở cái gì đó, rồi chăm lo cho gia đình".

Lá đơn

Hình ảnh đơn xin nghỉ việc của cô giáo mầm non Kim Anh.

Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Hoàng Kim Anh cho biết, năm ngoái, cô thi công chức. Sau khi thi đỗ thì được phân công vào làm việc tại huyện Bảo Lâm. Lý do lớn chính khiến Kim Anh đưa ra quyết định xin nghỉ bởi gia đình cô không có điều kiện. Mức lương hiện tại của Kim Anh là 4.300.000 đồng. Trừ đi các khoản ăn uống, tiền phòng trọ, sinh hoạt hàng ngày, tiền nộp một bộ đồ chơi theo chủ đề dạy, các khoản quỹ, từ thiện…, cô giáo không đủ trang trải và phụ giúp gia đình.

 “Vì nhà em không có điều kiện cho lắm nên học xong ra trường cũng chỉ muốn giúp đỡ được mẹ phần nào. Mà lương như thế thật sự là muốn giúp mẹ cũng không được, hồi mới đi làm em còn phải xin tiền mẹ nữa.

Em gái em thì còn nhỏ tuổi, em cứ làm giáo viên sợ sau này em em lớn rồi, khi đó em lại có chồng con nữa sợ không đủ tiền trang trải nuôi em gái ăn học. Lương em còn đỡ, có các bạn làm hợp đồng lương tháng có hơn 2-3 triệu/tháng thì càng khó. Bọn em biết phải làm sao?", cô Kim Anh bộc bạch.

Sau 1 năm công tác, Kim Anh đã đủ thấm thía gian truân, áp lực của một giáo viên mầm non ở điểm trường miền núi.

Hình ảnh quãng đường đến điểm trường miền núi mà cô Kim Anh ghi lại.

Ngày đầu đi làm, cô giáo trẻ được phân công dạy ở điểm trường Nà Luông, thuộc trường Nà Kiềng xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm. Đường đồi núi cao chót vót, các cô mỗi sáng đi làm gần nhất cũng phải đi 6 km tính từ trung tâm xã. Nhưng bù lại, lương ở đây cao hơn (được 6,7 triệu đồng/tháng). Đến hè, cô Kim Anh được chuyển công tác ra thị trấn vì nơi đây thiếu giáo viên nhưng lương lại thấp hơn. Và sĩ số lớp học thì lên tới gần 40 em.

"Cô hiệu trưởng phân em với 2 cô giáo khác cùng tiếp quản một lớp có 39 trẻ. Nhưng thời điểm đó có một cô chuẩn bị chuyển đi (hiện tại thì đã chuyển rồi) nên rất khó khăn. Ngày nào cũng chỉ có hai cô giáo trông nom 39 trẻ, trong đó hơn 30 trẻ nằm ở độ tuổi lên 3. Mới đầu năm đi học nên nhiều trẻ chưa quen, trẻ khóc, nghịch rồi ị, tè đủ cả. Mà lớp em phụ trách còn có cả trẻ chậm phát triển nhưng cô hiệu trưởng lại bảo không được để trẻ ở lại lớp.

Em mới đi làm, chưa thích nghi được nên là thấy đau đầu lắm. Sáng đến lớp từ 7 giờ, lau dọn lớp học, thay quần áo tè ị, nôn cũng hết mất thời gian rồi. Đến trưa thì xếp bàn ra cho trẻ ăn cơm, ăn xong rồi lại lau dọn dẹp bàn, quét lớp, lau lớp. Trẻ ngủ thì giáo viên cũng có được ngủ đâu, phải thức trông trẻ vì sợ trẻ bị làm sao. Sau đó lại dậy ăn chiều, ăn xong lại lau dọn. Làm quần quật đến 5 giờ chiều, lau dọn lớp xong thì mới được về.

Gần 40 đứa trẻ mà lỡ một đứa bị sao thì phụ huynh lại sốt vó lên rồi trách cô giáo này nọ. Thật sự khi đi làm không có phút giây nào là dám lơ đãng cả. Đấy là đầu năm còn chưa bị soạn giáo án. Sau này soạn giáo án rồi lại phải lên lớp dạy học, bình thường trông thôi đã khó mà giờ còn phải dạy học nữa, lãnh đạo thì thường xuyên dự giờ kiểm tra. Chưa kể còn các chương trình văn nghệ của trường, vừa phải đảm bảo lên lớp đủ tiết, vừa cho trẻ tập tiết mục văn nghệ.

Em chưa có gia đình mà đi làm về chỉ muốn nằm ngủ. Không biết các chị có gia đình rồi thì như thế nào nữa. Còn công việc gia đình, giáo án…”, cô giáo 9X chia sẻ.

Câu chuyện của cô giáo mầm non Cao Bằng nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn với hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận trái chiều. Có người trách cô giáo trẻ vội vàng, nôn nóng, còn bốc đồng thích bay nhảy tuổi trẻ, chưa thực sự yêu nghề nên mới từ bỏ vị trí nhưng cũng nhiều người ủng hộ quyết định này của cô vì đồng cảm với nỗi vất vả của giáo viên mầm non, áp lực và khối lượng công việc lớn nhưng lương không đủ trang trải cuộc sống…

Theo cô giáo 23 tuổi, cô viết câu chuyện của mình chỉ mong thoải mái hơn và có chút động lực để làm công việc mới.

"Khát" giáo viên mầm non

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), riêng trong năm học 2016-2017, cả nước tăng đến hơn 26 nghìn giáo viên mầm non, nâng số giáo viên mầm non cả nước lên 344.994 người. Số lượng giáo viên tăng nhanh và mạnh nhưng đến hiện tại tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non vẫn chưa được khắc phục.

Tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu (An Giang: 1,28, Sơn La: 1,31, Hà Giang 1,32, Lai Châu: 1,34, Hưng Yên: 1,35, Gia Lai 1,38).

Một thống kê khác từ lãnh đạo TP.HCM, địa phương này đang thiếu đến 11.014 giáo viên mầm non, riêng giáo viên công lập thiếu 3.319 người. Như năm học 2016-2017, thành phố cần tuyển trên 2.380 nhưng chỉ tuyển được 1.760, thiếu trên 620 giáo viên mầm non. Tuy vậy, mỗi năm có trên 1.000 giáo viên ra khỏi hệ thống mầm non, ở nhiều trường học/cơ sở giáo dục mầm non giáo viên phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ vẫn chưa hết việc...

Lệ Thu

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,365

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]