Ngày 9/9, hàng chục công nhân của Công ty TNHH MTV May xuất khẩu Pacific (đóng tại Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng) đã ngừng làm việc để phản đối cách tính lương về chế độ bảo hiểm khiến họ giảm thu nhập.
Công nhân cho biết, ngày 8/9, phía công ty đã họp đột xuất với các công nhân, đưa ra quyết định dù nghỉ một ngày có phép hay không có phép cũng trừ vào tiền bảo hiểm. Công nhân bức xúc trước quy định nay nên đã đình công.
"Ốm đau có giấy của bệnh viện trên 2 ngày mà vẫn trừ vào tiền bảo hiểm thì không thể được. Đồng lương của chúng tôi chỉ 3 triệu đồng mỗi tháng, nếu trừ vào số lần nghỉ ốm đau thì không đủ sống", một công nhân nói.
50 công nhân tham gia đình công phản đối cách tính lương của công ty may. Ảnh: N.T.
Dừng làm công việc thường ngày, công nhân muốn đối thoại với phía công ty để làm rõ những thắc mắc. Họ cho biết đã bị quản lý đuổi ra và yêu cầu khóa cổng công ty lại.
Công nhân cũng phản ánh, nhiều người đang làm việc chưa được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, khẩu phần ăn ít ỏi, chưa đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó giám đốc công ty TNHH May xuất khẩu Pacific, cho biết công ty mới nêu ra vấn đề trừ tiền bảo hiểm với công nhân nghỉ ốm để đối thoại và thương lượng, xem công nhân có đồng ý hay không, chưa quyết định chính thức.
Theo ông Lợi, công ty mới chỉ tính ra con số công nhân nghỉ là bao nhiêu tiền, chứ chưa trừ một đồng tiền lương nào của công nhân. Công ty sẽ xem xét quá trình công nhân nghỉ có lặp đi, lặp lại hay không chứ không phải nghỉ đột xuất.
Phía công ty xác nhận, có hai trường hợp công nhân đình công đã đi làm gần một năm nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm. Riêng bữa ăn cho công nhân, ông Lợi nói mỗi bữa đều được công ty nấu chất lượng.
Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc kiêm người phát ngôn Sở Lao động Thương và Xã hội Đà Nẵng, cho biết cơ quan chức năng đã làm việc với phía công ty và họ thừa nhận sai khi đưa ra nhiều quy định không đúng.
Ông An cho biết, có 50 công nhân tham gia đình công, trong đó có hai người chưa được công ty ký hợp đồng lao động. "Công ty tính tiền lương không đúng. Công ty này yêu cầu công nhân phải đi làm đủ 30 ngày mới tính tiền chuyên cần, còn nghỉ phép một đến hai ngày thì không tính. Thời gian công nhân nghỉ phép trong tháng sẽ không được tính bảo hiểm", ông An nói.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty mua bảo hiểm đầy đủ cho công nhân, trừ trường hợp nghỉ quá 14 ngày mới không đóng bảo hiểm, thêm vào đó phải ký hợp đồng cho hai công nhân.
Riêng tiền chuyên cần là do thỏa thuận giữa công ty và người lao động, luật không bắt buộc. "Hai bên đã thỏa thuận và thống nhất công nhân nghỉ không quá hai ngày trong tháng thì phải tính tiền chuyên cần cho họ", ông An nói thêm.
Nguyễn Đông