1. Cập nhật thông tin về xuất khẩu lao động qua mạng từ 12/02/2018
Nội dung này được quy định tại Thông tư 35/2017/TT-BLĐTBXH về quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 12/02/2018.
Theo đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thực hiện việc cập nhật dữ liệu thông tin NLĐ như sau:
- Đăng nhập cơ sở dữ liệu tại địa chỉ csdl.dolab.gov.vn bằng tài khoản đã được cấp;
- Cập nhật dữ liệu thông tin trong mục “Thông tin người lao động” theo các bước:
+ Tạo bản ghi mới cho NLĐ được doanh nghiệp tuyển chọn;
+ Cập nhật thông tin cá nhân của NLĐ;
+ Cập nhật thông tin liên quan đến NLĐ trong quá trình đào tạo, làm việc ở nước ngoài, kết thúc hợp đồng.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm lao động nước ngoài cũng thực hiện việc cập nhật dữ liệu thông tin NLĐ.
2. 07 tiêu chí công nhận chứng chỉ CNTT do tổ chức nước ngoài cấp
Từ ngày 15/02/2018, Thông tư 44/2017/TT-BTTTT về công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo đó, 07 tiêu chí công nhận chứng chỉ CNTT do tổ chức nước ngoài cấp đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT bao gồm:
- Được cấp bởi tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ CNTT ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài và có đại diện ủy quyền tại Việt Nam;
- Được ít nhất hai tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trụ sở tại nước phát triển công nhận bằng văn bản còn hiệu lực và được phát hành không quá 05 năm tính đến thời điểm đề nghị được gửi đến Bộ TT&TT;
- Khung chương trình, giáo trình đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định;
- Đề thi đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định;
- Phần mềm thi đảm bảo cho việc tổ chức thi;
- Hệ thống CNTT đảm bảo cho việc tổ chức thi;
- Quy trình thi và cấp chứng chỉ.
3. Quy định mới về tiêu chuẩn viên chức chuyên ngành CNTT
Thông tư 45/2017/TT-BTTTT quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) có hiệu lực từ ngày 15/02/2018.
Theo đó, viên chức CNTT được chia thành 4 hạng, bao gồm các chức danh cụ thể sau:
- An toàn thông tin (hạng I, II, III và IV);
- Quản trị viên hệ thống (hạng I, II, III và IV);
- Phát triển phần mềm (hạng I, II, III và IV);
- Kiểm định viên công nghệ thông tin (hạng I, II, III).
Thông tư 45/2017/TT-BTTTT còn quy định rõ về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với mỗi chức danh viên chức.
Đây là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ viên chức chuyên ngành CNTT trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Hồ sơ bệnh án của người bệnh tử vong được bảo quản tối đa 30 năm
Nội dung nổi bật này được quy định tại Thông tư 53/2017/TT-BYT về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ ngành y tế có hiệu lực từ ngày 15/02/2018.
Theo đó, trong nhóm tài liệu về khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng thì thời hạn bảo quản hồ sơ bệnh án được quy định như sau:
- Người bệnh tử vong: 30 năm;
- Người bệnh tâm thần: 20 năm;
- Tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt: 15 năm;
- Nội trú, ngoại trú thông thường: 10 năm.
Ngoài ra, nhóm tài liệu này còn quy định về thời hạn bảo quản một số loại hồ sơ khác như:
- Hồ sơ cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: 20 năm;
- Phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh, của nhân viên y tế: 5 năm.
Ngọc Duy