Sao các anh không dùng?
Phó Chủ tịch VUSTA (Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật VN), cựu ĐBQH Trần Việt Hùng chia sẻ bài học, nếu đại biểu đi giám sát dưới cơ sở mà không am tường thì rất dễ bị "lòe". Nhiều việc sẽ được xuề xòa cho qua.
Đại diện hai cơ quan Quốc hội và VUSTA bàn hợp tác.Ảnh: Lê Nhung |
"ĐBQH không biết tất cả nhưng phải quyết tất cả. Hiện nay, các ĐBQH không có văn phòng giúp việc riêng nên phải dựa vào các chuyên gia, nhà khoa học", ông Hùng nói.
Cũng từng là ĐBQH, ông Trương Duy Nghĩa (Hội Nhiệt Việt Nam) tâm tư, hiệu quả giám sát của QH còn thấp, nhiều khi các đoàn giám sát về địa phương toàn được nghe cơ sở khen thế này, thế nọ. Thế nhưng ông Nghĩa không dám chắc về việc ĐBQH cần các nhà khoa học đến đâu để trang bị thêm kiến thức cho mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết, người hoạt động rất tích cực trong nhiệm kỳ QH khóa vừa qua cũng nêu một thực tế, còn nhiều ĐBQH "quan liêu", phát biểu không có cơ sở khoa học. Các ủy ban nói riêng rất cần chuyên gia, song chưa chắc tất cả ĐBQH đều cần sự tư vấn của các nhà khoa học.
Đại diện các nhà khoa học đều băn khoăn về việc liệu họ có thể tham gia đến đâu cho các cơ quan QH khi chưa có một ràng buộc "cứng". Đại diện Hội tự động hóa VN giãi bày "chỉ mong QH khai thác chất xám của các nhà khoa học. Chứ chẳng lẽ đi đâu cũng phải trình bày chúng tôi có khả năng nọ, kia, tại sao các anh lại không dùng".
Cử tri cao cấp
Nói đi cũng phải nói lại, ông Trần Quý (Tổng hội y học VN) cho rằng, ngay các nhà khoa học cũng chậm trễ khi tham gia tư vấn. Nhiều vụ việc đã xảy ra, dư luận lên tiếng thì nhà khoa học mới tổ chức hội thảo, hội nghị để mổ xẻ vấn đề.
Như vậy, không nên đợi khi nào có đặt hàng mới làm nghiên cứu, mà các nhà khoa học phải chủ động phát hiện vấn đề và thông qua nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn truyền thông, để giới thiệu "sản phẩm" của mình.
Ông Trương Duy Nghĩa thẳng thắn, các nhà khoa học phải chủ động "tiếp thị" bản thân, để ý kiến tư vấn có giá trị thực chất, khiến ĐBQH không thể không nghe. Theo ông, trong cơ chế cạnh tranh hiện nay, không thể buộc "khách hàng" phải tham vấn tổ chức này, tổ chức khác mà các nhà khoa học phải tạo được sản phẩm chất lượng cao.
Từ góc độ một cơ quan giúp việc cho QH, ông Đinh Ngọc Quý (Vụ các vấn đề xã hội) cho rằng, cả hai bên đều cần "tiếp thị" lẫn nhau. Đại biểu luôn cần chuyên gia giúp tổng hợp thông tin, đưa ra đánh giá khách quan, khoa học và độc lập. Chương trình giám sát của QH hàng năm đều công khai nên không khó để các tổ chức khoa học tiếp cận và chủ động tham gia.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Lê Bộ Lĩnh khẳng định, với tư cách "cử tri cao cấp", VUSTA có thể lên danh mục nhóm vấn đề cần giám sát hàng năm, gửi Quốc hội, và tham gia góp ý cho các nhóm vấn đề đó. Ngoài ra, căn cứ vào hoạt động nghiên cứu định kỳ, VUSTA có thể chủ động cung cấp thông tin, kết quả nghiên cứu cho cơ quan Quốc hội.
Bên cạnh đó, phía Quốc hội sẽ chủ động mời các nhà khoa học cùng tham gia làm thành viên trong đoàn giám sát. Hoặc, sẽ tham vấn trong từng vấn đề cụ thể.
Ông Trần Việt Hùng cho rằng, VUSTA sẽ tổ chức ngay một cơ quan đầu mối để giới thiệu chuyên gia cho QH và nhận phản hồi.
Kết lại cuộc thảo luận, ông Lê Bộ Lĩnh nói: "Bàn hợp tác giữa Quốc hội và VUSTA không phải vì lý do các nhà khoa học cần đi tìm việc còn cơ quan Quốc hội cần đi tìm người, mà xuất phát từ nhu cầu của cả hai bên".
Lê Nhung