File word chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 01 |
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
1. Tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ)
Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2019, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 sẽ tăng thêm từ 5,0% đến 5,8%. Mức tăng cụ thể như sau:
- Lương tối thiểu tại Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng, tăng 5,0%;
- Lương tối thiểu tại Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng, tăng 5,1%;
- Lương tối thiểu tại Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng, tăng 5,2%;
- Lương tối thiểu tại Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng, tăng 5,8%.
Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
2. Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất 01 lần/năm
Ngày 17/10/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất mỗi năm 01 lần nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến tuân thủ. Các nội dung đánh giá cụ thể như sau:
- Thời gian kiểm tra: sẽ do doanh nghiệp quyết định;
- Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra;
- Nội dung tự kiểm tra: Việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện HĐLĐ...;
- Hồ sơ tự kiểm tra: Phiếu tự kiểm tra; kết luận tự kiểm tra; văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra và các tài liệu, hồ sơ phát sinh.
- Báo cáo kết quả kiểm tra: Doanh nghiệp phối hợp với đại diện tập thể lao động thực hiện báo cáo trực tuyến khi có yêu cầu của cơ quan Thanh tra lao động.
Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
3. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức
Chính phủ ban hành Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
- Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên;
- Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển.
Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.
4. Sẽ tiến hành thanh tra lao động, ATVSLĐ đột xuất vào ban đêm
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) về hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Theo hướng dẫn tại Thông tư 20, trình tự thanh tra lao động, ATVSLĐ đột xuất tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính sẽ được thực hiện như sau:
- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông báo đến đơn vị làm đầu mối tại các cơ quan chức năng có liên quan để xác nhận việc tham gia đoàn thanh tra;
- Các cơ quan chức năng có liên quan biết có hành vi vi phạm và đề nghị cử người tham gia đoàn thanh tra;
- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH hoặc Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi xảy ra vụ việc ban hành Quyết định thanh tra;
- Trưởng đoàn thanh tra phải công bố Quyết định thanh tra, đồng thời triển khai thanh tra tại nơi xảy ra vi phạm;
- Thực hiện hoặc kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. NLĐ sẽ được tham gia ý kiến khi xây dựng, sửa đổi thang, bảng lương
Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 149/2018/NĐ-CP hướng dẫn khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Theo đó, có nhiều điểm mới quan trọng so với quy định hiện hành tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP, như là:
- Người lao động được quyền tham gia ý kiến khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động;
- Người lao động cũng được quyền đề xuất nội dung thương lượng tập thể;
- Bên cạnh đó, còn bổ sung hình thức thực hiện dân chủ khác là hệ thống thông tin nội bộ.
Nghị định 149/2018/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019 và thay thế Nghị định 60/2013/NĐ-CP.
Châu Thanh