02/03/2012 13:30 PM

TT - Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tổng kết việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành năm 2007) để có những đánh giá nghiêm túc đối với quá trình thực hiện quy chế nêu trên của các bộ ngành, địa phương, từ đó hoàn thiện hơn nữa quy chế này.

Ông Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết như trên tại hội thảo do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức ngày 1-3.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - trưởng phòng pháp luật - chính sách Cục Báo chí, nhìn chung các bộ ngành, địa phương và cơ quan báo chí đều cho rằng việc ban hành quy chế là cần thiết, việc duy trì và thực hiện tốt quy chế này đã tạo điều kiện cho báo chí và công chúng tiếp cận đầy đủ hơn các nguồn thông tin chính thống. Tuy nhiên việc thực hiện quy chế cũng còn hạn chế, tồn tại, đơn cử như một số cơ quan thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức, cũng cử ra người phát ngôn nhưng khi gặp báo chí thì chỉ đọc một bài viết sẵn...

Đại sứ Vương quốc Anh Antony Stokes cho biết một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khá nhiều nhà báo Việt Nam (hơn 50%) phản ánh thường gặp tình huống quan chức từ chối cung cấp thông tin.

Ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng việc thực hiện quy chế trong hơn bốn năm qua có hai cái được. Thứ nhất, khá nhiều cơ quan thực hiện đúng, thực hiện tốt quy chế này, tạo điều kiện cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác cho công luận. Thứ hai, giúp các cơ quan báo tránh “chạy” lòng vòng tìm kiếm thông tin cũng như tránh được sai sót. Bên cạnh đó có hai vấn đề chưa được. Một là, không ít cơ quan thực hiện công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức, chưa thường xuyên. Hai là, người đứng đầu cơ quan hành chính chưa chủ động, thậm chí có trường hợp né tránh việc cung cấp thông tin.

Ông Phạm Đức Hải đưa ra bốn kiến nghị. Thứ nhất, các cơ quan hành chính nhà nước cần nghiêm túc thực hiện quy chế này một cách nhanh hơn, kịp thời hơn và chủ động hơn. Ví dụ như trong buổi sáng xảy ra việc cháy chợ Quảng Ngãi, buổi chiều cơ quan chức năng của tỉnh có họp báo ngay để tránh những suy diễn thiếu chính xác về hậu quả cháy chợ. Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tăng cường kiểm tra, theo dõi các cơ quan hành chính trong việc thực hiện quy chế. Trong quyết định của Thủ tướng đã nêu rõ Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Thông tin và truyền thông) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy chế. Thứ ba, Bộ Thông tin và truyền thông cần có chế tài cụ thể đối với những nơi không thực hiện nghiêm túc quy chế. Tới đây, việc sửa đổi quy chế cần bổ sung các quy định về chế tài theo tinh thần như vậy. Thứ tư, đối với các cơ quan báo chí trong tác nghiệp cần thu ngắn khoảng cách với người phát ngôn, với cơ quan cung cấp thông tin bằng việc thể hiện chính xác các nội dung thông tin mà mình được cung cấp.

Ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, cho rằng báo chí là kênh thông tin mà các bộ ngành, địa phương có thể tận dụng để truyền tải thông tin tới công luận. Theo ông Nghị, cần xem xét thiết lập cơ chế phối hợp giữa người phát ngôn và đầu mối thông tin cho báo chí của các bộ ngành, địa phương, có giao ban, trao đổi, phối hợp, phân vai, phân nhiệm để kịp thời xử lý thông tin một cách hiệu quả, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của báo chí. Trong thực tế Bộ Ngoại giao đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng với một số bộ ngành, địa phương. Nhưng một số trường hợp các địa phương, bộ ngành vẫn còn chậm thông tin, dẫn tới bị động trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều trường hợp thông tin muộn, mất tính thời sự, giảm sức đấu tranh và để “mất trận địa”.

VÕ VĂN THÀNH

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,654

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]