17/03/2012 00:23 AM

Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, nhưng sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư theo hướng nếu đầu tư bị thua lỗ sẽ không phải nộp thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng

Thị trường chứng khoán vẫn chưa hết khó khăn, vì sao Bộ Tài chính không đề xuất miễn thuế TNCN đối với hoạt động đầu tư chứng khoán?

Đã tham gia đầu tư, thì mọi tổ chức, cá nhân đều có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập vào ngân sách. Trong bối cảnh cả nền kinh tế đang khó khăn, không chỉ có hoạt động đầu tư vốn, đầu tư chứng khoán, mà hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế, thì không có lý do gì lại miễn thuế đối với hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Với mức thuế suất 20%, trên thực tế, hoạt động đầu tư chứng khoán đang được ưu đãi hơn so với hoạt động sản xuất - kinh doanh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 25%. Theo Chiến lược Cải cách thuế, phải đến năm 2015, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mới có thể giảm xuống 22-23% và phấn đấu đến năm 2020 mới giảm xuống bằng với thuế suất thuế TNCN hiện đang áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.

Nhưng vấn đề đặt ra là, thị trường chứng khoán đang gặp rất nhiều khó khăn, cần phải có chính sách để hỗ trợ?

Chính phủ và Bộ Tài chính rất quan tâm đến việc phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, nên đã có những biện pháp hỗ trợ về thuế. Cụ thể, năm 2009, khi thị trường chứng khoán gặp khó khăn, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội miễn thuế TNCN cả năm đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán. Năm 2011, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ cổ tức mà cá nhân thực nhận từ ngày 1/8/2011 đến hết 31/12/2012 do đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp; giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân từ ngày 1/8/2011 đến hết 31/12/2012.

Để phát triển thị trường chứng khoán, cần hàng loạt chính sách đồng bộ, trong đó, thuế chỉ là một trong những chính sách nhằm hỗ trợ mà thôi. Hơn nữa, nếu có miễn thuế cũng không có nhiều ý nghĩa, bởi trên thực tế, số thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng chứng khoán năm 2010 chỉ là 188,7 tỷ đồng; năm 2011 là 210 tỷ đồng, thấp xa so với số thu thuế TNCN từ hoạt động đầu tư vốn (tương ứng 642 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng). Việc miễn thuế cho hoạt động chuyển nhượng chứng khoán cũng cần tính đến mối tương quan với thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn và nếu miễn thuế cho tất các hoạt động này, sẽ khiến ngân sách bị giảm thu đáng kể.

Nhưng vấn đề đặt ra là, nhà đầu tư bị thua lỗ vẫn phải nộp thuế, thưa ông?

Theo quy định hiện hành (Nghị định 100/2008/NĐ-CP, Thông tư 84/2008/TT-BTC), cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng thuế suất thuế TNCN 20% phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ và đăng ký thực hiện ổn định với cơ quan thuế trước ngày 31/12 của năm trước. Trong năm, các giao dịch chuyển nhượng được công ty chứng khoán tạm khấu trừ thuế 0,1% giá trị chuyển nhượng và đến hết năm, cá nhân quyết toán toàn bộ hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán, nếu không có thu nhập, thì không phải nộp thuế, được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ. Cá nhân không đăng ký phương pháp nộp thuế 20% trên thu nhập, thì khoản thuế bị khấu trừ, tạm nộp 0,1% là xong và không phải quyết toán lại. Những quy định trên dẫn đến không ít nhà đầu tư cá nhân tính sổ cả năm, thì không có lãi, thậm chí lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế 0,1%. Bởi vậy, sẽ rất khó tránh khỏi nỗi bức xúc của nhà đầu tư. Bộ Tài chính rất hiểu và chia sẻ, cảm thông với họ.

Bộ Tài chính đã có hướng giải quyết bức xúc này thế nào, trong khi vẫn bảo lưu quan điểm đánh thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán?

Để bảo đảm nguyên tắc của thuế TNCN là chỉ thu thuế khi cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong văn bản sửa đổi, bổ sung tới đây, một mặt, vẫn giữ nguyên 2 phương pháp tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán; mặt khác, không nên yêu cầu nhà đầu tư phải đăng ký phương pháp nộp thuế từ năm trước, mà cho phép họ lựa chọn tự khai, tự tính thuế trong dịp quyết toán thuế khi hết năm. Nhà đầu tư thấy phương pháp nào có lợi hơn, thì thực hiện.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, để thực hiện bước cải cách này, ngành thuế phải đầu tư thêm rất nhiều thời gian, tiền của, công sức và nhân lực; nhưng bù lại sẽ giải quyết cơ bản những bức xúc của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán, được xem như là một giải pháp thiết thực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Mạnh Bôn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,601

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]