File Word 05 chính sách về thuế, phí, lệ phí có hiệu lực từ tháng 01/2020 |
1. Bãi bỏ 01 loại phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành từ ngày 13/01/2020.
Theo đó, bãi bỏ 01 loại phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấo tỉnh là phí sử dụng đường bộ (đối với đường thuộc địa phương quản lý).
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Đồng thời, sửa quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) như sau:
“Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm: cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật”.
2. Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Campuchia được hưởng thuế suất ưu đãi 0%
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 92/2019/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 – 2020 (có hiệu lực từ ngày 06/01/2020 đến hết ngày 31/12/2020).
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Campuchia tại danh mục kèm theo Phụ lục I Nghị định 92/2019/NĐ-CP được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%; bao gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm, đơn cử như:
- Nhóm mặt hàng gia cầm sống, gồm các loại gà thuộc loài Gallus domesticus, vịt, ngan, ngỗng, gà tầy và gà lôi;
- Nhóm mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh;
- Quả thuộc chi cam quýt, tươi hoặc khô: quả chanh vàng và quả chanh xanh;
- Nhóm mặt hàng bánh mì, bánh bột nhào (pastry), bánh nướng, bánh quy và các loại bánh khác, có hoặc không chứa ca cao; bánh thánh, vỏ viên nhộng dùng trong ngành dược, bánh xốp sealing wafer, bánh đa và các sản phẩm tương tự.
3. Sửa đổi, bổ sung quy định về biểu giá chi phí cho nhà máy thủy điện
Ngày 15/11/2019, Bộ Công thương ban hành Thông tư 29/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2014/TT-BCT về trình tự xây dựng, áp dụng biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ.
Cụ thể, sửa đổi quy định về thời gian sử dụng điện trong ngày áp dụng cho Biểu giá chi phí tránh được phù hợp với quy định trong biểu giá bán lẻ điện hiện hành.
Đối với các khu vực có quá tải đường dây truyền tải điện, các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang, các nhà máy thủy điện cung cấp nước cho hạ du theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh, Bên mua và Bên bán thỏa thuận thời gian áp dụng giá giờ cao điểm theo nguyên tắc đảm bảo đủ số giờ cao điểm theo quy định
Ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BCT các Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục IV quy định chi tiết Biểu giá chi phí tránh được, phương pháp tính toán Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng Biểu giá chi phí tránh được.
Thông tư 29/2019/TT-BCT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
4. Thủ tục quản lý thuế, phí và lệ phí với hàng hóa XNK của cư dân biên giới
Nội dung này được quy định tại Thông tư 80/2019/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo Nghị định 14/2018/NĐ-CP về hoạt động thương mại biên giới.
Theo đó, thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của cư dân biên giới như sau:
- Thực hiện khai báo trên tờ khai hàng xuất khẩu cư dân biên giới và tờ khai hàng nhập khẩu cư dân biên giới theo mẫu HQ2019/TKXKBG, HQ2019/TKNKBG tại Phụ lục II Thông tư 80/2019/TT-BTC.
- Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện xác nhận trên tờ khai hàng như sau:
+ Công chức đăng ký tiếp nhận tờ khai ký tên, đóng dấu công chức vào góc trên bên phải tờ khai;
+ Công chức Hải quan tính, thu thuế ký tên, đóng dấu công chức vào phía dưới tờ khai tại phần tính, thu thuế của cơ quan Hải quan.
5. Hướng dẫn lập, phân bổ và giao dự toán thu phí bảo đảm hàng hải
Thông tư 63/2019/TT-BTC hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020).
Cụ thể, hướng dẫn lập, phân bổ và giao dự toán thu phí bảo đảm hàng hải như sau:
- Lập dự toán thu:
+ Hàng năm, căn cứ vào số kiểm tra dự toán thu phí bảo đảm hàng hải do Bộ Tài chính thông báo cho Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giao thông vận tải thông báo cho Cục Hàng hải Việt Nam.
+ Cục Hàng hải Việt Nam lập dự toán thu phí bảo đảm hàng hải gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải để gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
- Phân bổ và giao dự toán thu: Căn cứ dự toán thu phí bảo đảm hàng hải hàng năm được cấp có thẩm quyền giao, trước ngày 31 tháng 12, Bộ Giao thông vận tải phân bổ và giao dự toán thu phí bảo đảm hàng hải cho các cảng vụ hàng hải; đồng thời gửi Bộ Tài chính, Cục Hàng hải Việt Nam và Kho bạc Nhà nước.
Châu Thanh