Kết quả cho thấy, 92,96% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ: Ngày 22/5/2020, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp thêm ý kiến về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về thời gian cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và phạm vi, chủ thể, thời hạn thực hiện phản biện xã hội của MTTQVN để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: hiện nay, việc phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL đang được thực hiện theo quy định của Luật MTTQVN. Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức thành viên trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tại Điều 6. Các vấn đề về thời gian gửi văn bản, phạm vi, chủ thể, thời hạn phản biện xã hội thuộc trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội, hiện đang được quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, quy định rõ trong Nghị quyết liên tịch số 403.
Về việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh: Có ý kiến đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chỉ nên có ý kiến mà không nên quy định trách nhiệm thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và tham gia thẩm tra dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực phụ trách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm bảo đảm tất cả các nội dung liên quan của dự án luật đều được xem xét để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tương tự như vậy, trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, ngoài trách nhiệm chung của Ủy ban Pháp luật thì rất cần ý kiến thẩm tra chuyên môn sâu của HĐDT, Ủy ban khác của Quốc hội với vai trò là cơ quan phụ trách lĩnh vực. Đây cũng là sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc quy định như vậy cũng là nhằm đề cao, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành luật như yêu cầu của Ban Bí thư tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19/4/2017.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 64 quy định hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm tra phải bao gồm “Báo cáo việc bảo đảm chính sách dân tộc, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với các dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc thì việc bảo đảm chính sách dân tộc là nội dung quan trọng, phải được xem xét, đánh giá tác động cùng với các chính sách cơ bản khác ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản và được lồng ghép thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, nội dung cơ bản của dự án, dự thảo. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại khoản 2 Điều 55 dự thảo Luật đã bổ sung quy định Tờ trình phải thể hiện rõ các nội dung cơ bản của dự án, dự thảo, trong đó bao gồm việc bảo đảm chính sách dân tộc mà không quy định phải có báo cáo riêng.
Về văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh: Một số ý kiến đề nghị không quy định hồ sơ dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết. Các ý kiến khác đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành để bảo đảm việc ban hành văn bản quy định chi tiết được kịp thời, tránh nợ đọng văn bản, bảo đảm luật có hiệu lực là thi hành ngay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Luật BHVBQPPL năm 1996 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002 đã quy định hồ sơ dự án luật trình Quốc hội phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết. Luật BHVBQPPL năm 2008 đã bỏ quy định này. Tuy nhiên, năm 2013, qua giám sát tối cao việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Quốc hội thấy rằng tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng gia tăng, dẫn đến luật chậm được triển khai thực hiện. Do đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 yêu cầu trong hồ sơ dự án luật phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết. Quy định này tiếp tục được thể hiện trong Luật BHVBQPPL năm 2015 (khoản 2 Điều 11) và kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy hiệu quả rõ rệt. Việc yêu cầu phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo hồ sơ dự án luật giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án cũng như các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH có cơ sở để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề được dự kiến điều chỉnh và áp dụng khi luật được ban hành để quyết định việc thông qua, nhất là bảo đảm để các chính sách quy định trong luật được cụ thể hóa một cách nhất quán. Mặt khác, qua xem xét, nghiên cứu dự thảo văn bản quy định chi tiết, Quốc hội đã đưa một số nội dung của văn bản quy định chi tiết thành quy định của luật, bảo đảm luật hóa tối đa để thi hành được ngay khi luật có hiệu lực. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như Luật hiện hành. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, đề nghị cơ quan trình, cơ quan soạn thảo thời gian tới cần quan tâm hơn nữa việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết nhằm bảo đảm chất lượng văn bản, tránh hình thức, lãng phí.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trường hợp luật giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thì thời điểm luật có hiệu lực sau khi được ban hành cần dài hơn để chính quyền địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các dự thảo luật khi trình Quốc hội đều dự kiến thời gian có hiệu lực, trong đó cơ quan trình đã cân nhắc, tính toán đến việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Về vấn đề đại biểu nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu để chỉ đạo các cơ quan trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cần lưu ý, dự liệu thời điểm có hiệu lực của luật phù hợp hơn, bảo đảm đủ thời gian cho các cơ quan, địa phương thực hiện.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL: Có ý kiến đề nghị quy định Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh có thể giao Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính để tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND trong trường hợp cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các quy định thủ tục hành chính có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, do đó về nguyên tắc phải được quy định cụ thể trong luật, trường hợp cần thiết mới quy định trong nghị định của Chính phủ; riêng đối với nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND thì chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao. Trong sửa đổi Luật lần này, để khắc phục một số vướng mắc đã được nhận diện qua tổng kết thực tiễn, dự thảo Luật đã cho phép HĐND cấp tỉnh được quy định thủ tục hành chính khi ban hành nghị quyết để quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu cho phép HĐND cấp tỉnh tiếp tục “ủy quyền” cho UBND cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính để thực hiện nghị quyết của HĐND sẽ mở rộng thêm chủ thể, thêm hình thức văn bản quy định về thủ tục hành chính. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như dự thảo Luật.
Về thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã (Điều 30): Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề được phân quyền, để thực hiện phân cấp hoặc quy định những biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm riêng của địa phương. Như đã giải trình với Quốc hội tại Báo cáo số 533/BC-UBTVQH14 ngày 20/5/2020, việc chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề đặc thù ở địa phương không phải là phổ biến, chỉ phát sinh ở một số ít địa phương và thực tế đã có giải pháp để xử lý.
Đối với trường hợp luật phân quyền cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, nếu cần thiết ban hành VBQPPL để thực hiện thì luật phải giao cụ thể, do đó đây không phải là vấn đề mới. Riêng trường hợp HĐND, UBND cấp huyện ban hành VBQPPL để phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa được quy định trong Luật BHVBQPPL. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp huyện được ban hành VBQPPL để phân cấp cho cấp dưới như thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.
Về trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Có ý kiến đề nghị trong trình tự xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp của Quốc hội, một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bổ sung quy định về đánh giá tác động đối với chính sách mới do ĐBQH đề nghị bổ sung vào dự án, dự thảo (tương tự như quy trình tại hai kỳ họp).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian một kỳ họp Quốc hội, một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường rất ngắn. Các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được trình xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội, một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản đã có sự thống nhất cao về nội dung giữa cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và sự đồng thuận của các vị ĐBQH. Trường hợp có chính sách mới quan trọng, được ĐBQH đề xuất, cần đánh giá tác động thì phải có thời gian để thực hiện. Do đó, trong trường hợp này, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, cho lùi thời gian thông qua dự án, dự thảo sang kỳ họp sau theo quy trình hai kỳ họp Quốc hội, hoặc quyết định sang phiên họp khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về xây dựng, ban hành thông tư liên tịch (Điều 110): Có ý kiến đề nghị quy định việc đăng tải dự thảo thông tư liên tịch trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan cùng tham gia soạn thảo và ban hành văn bản này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: đối với văn bản liên tịch, Luật BHVBQPPL quy định giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì soạn thảo và thực hiện các thủ tục cần thiết bao gồm cả việc đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan để xin ý kiến. Việc quy định như vậy là để bảo đảm đơn giản về thủ tục, thuận tiện trong tổ chức công việc, tránh một việc do nhiều cơ quan thực hiện, đồng thời rõ ràng về trách nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện nội dung này như Luật hiện hành.
Về việc đánh giá tác động của chính sách đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh (Điều 119): Có ý kiến đề nghị chỉ thực hiện việc đánh giá tác động của chính sách đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có quy định chính sách; bổ sung từ “nếu có” vào cuối khoản 1a Điều 119 và tại một số điều, khoản khác của dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đánh giá tác động của chính sách đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh theo quy định của Luật hiện hành được thực hiện từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị quyết. Tuy nhiên, qua tổng kết 03 năm thi hành Luật, Chính phủ nhận thấy, quy trình này làm kéo dài thời gian ban hành văn bản, hạn chế khả năng phản ứng nhanh của chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Do đó, để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho địa phương nhưng vẫn bảo đảm chất lượng xây dựng văn bản, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng chuyển quy trình đánh giá tác động của chính sách từ giai đoạn lập đề nghị sang giai đoạn soạn thảo nghị quyết nhằm xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật.
Về thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình (Điều 121): Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn thẩm định của Sở Tư pháp từ 10 ngày lên thành 15 ngày hoặc quy định kéo dài thời hạn thẩm định trong trường hợp cần thiết. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý tăng thời hạn thẩm định của Sở Tư pháp lên 15 ngày, đồng thời tăng thời hạn gửi hồ sơ từ 20 ngày lên 25 ngày trước ngày UBND cấp tỉnh họp như quy định tại Điều 121 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, tại Điều 134 và Điều 139 của dự thảo Luật cũng được điều chỉnh tăng thời hạn thẩm định của Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, thời hạn gửi hồ sơ thẩm định tương ứng để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.
Về thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh (Điều 130): Có ý kiến đề nghị không quy định thành lập hội đồng thẩm định đối với dự thảo quyết định do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo có nội dung đơn giản; đề nghị quy định cụ thể trường hợp có thể không phải thành lập hội đồng thẩm định để thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định hiện hành, thẩm định là một khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng VBQPPL. Mục đích của hoạt động thẩm định là xem xét, phản biện một cách độc lập đối với dự thảo văn bản để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc ban hành. Trách nhiệm thẩm định hiện nay đang được giao cho cơ quan tư pháp, pháp chế ở địa phương. Đối với văn bản do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo, để bảo đảm tính khách quan thì việc thành lập hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định trước khi báo cáo UBND cấp tỉnh là cần thiết. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không sửa đổi quy định này.
Về ngưng hiệu lực của VBQPPL (Điều 153): Có ý kiến đề nghị trong trường hợp không thể triệu tập họp HĐND thì có thể giao Thường trực HĐND ban hành văn bản hành chính để ngưng hiệu lực nghị quyết của HĐND cùng cấp và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố một VBQPPL hết hiệu lực thi hành, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần về nguyên tắc phải do chính cơ quan đã ban hành VBQPPL đó hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên thực hiện. Do đó, việc giao Thường trực HĐND ban hành văn bản hành chính để ngưng hiệu lực nghị quyết của HĐND cùng cấp là không phù hợp.
Về xử lý mâu thuẫn, xung đột pháp luật: Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa cơ chế bảo hiến trong Hiến pháp hoặc bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng nguyên tắc tại Điều 12 và Điều 156 của Luật BHVBQPPL. Có ý kiến đề nghị tại Điều 156 bổ sung quy định “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định giữa các luật là do ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành trước. Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, nguyên tắc xử lý xung đột đã được thống nhất và áp dụng nhất quán từ Luật BHVBQPPL năm 1996 đến nay là trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Nếu nay bổ sung nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” thì sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc nêu trên, đồng thời khi có xung đột xảy ra giữa các luật thì không có cơ sở để xác định luật nào được áp dụng. Do đó, để hạn chế và khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định “trường hợp VBQPPL đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó”.
Về đề nghị cụ thể hóa cơ chế bảo hiến và quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý xung đột, mâu thuẫn pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước, cần được tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo cả về cơ sở lý luận và thực tiễn trước khi cụ thể hóa thành luật.
Về điều khoản thi hành: Có ý kiến đề nghị không cần thiết phải quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật, vì thời gian chuyển tiếp là rất ngắn và chủ yếu là tăng thêm trách nhiệm cho các cơ quan, về nguyên tắc không được áp dụng trước ngày Luật có hiệu lực. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bỏ quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất thực hiện các quy định mới từ ngày Luật có hiệu lực.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu các ý kiến của ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế và thống nhất trong dự thảo Luật. Với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định./.
Bích Lan-Hoàng Quỳnh