05/05/2012 13:37 PM

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm từ cấp bộ trưởng trở lên và giao Thường vụ Quốc hội chuẩn bị quy chế cụ thể.

Sáng 5/5, Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Liên quan tới việc bỏ phiếu tín nhiệm với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng việc này không đơn giản. Theo dự thảo, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.

Tuy nhiên, bà Mai đặt ra tình huống 2 lần bỏ phiếu dù không đạt nhưng có lý do khách quan, không thể vì không đạt mà miễn nhiệm ngay. “Tôi đề nghị sau 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm chỉ trình ra Quốc hội xem xét thôi, sau đó thế nào còn tùy thuộc tình hình cụ thể”, bà Mai nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, có những trường hợp không cần dùng tới 2 lần bỏ phiếu. “Nếu một lần mà nghiêm trọng rồi thì đủ để xem xét. Về lý chỉ cần một lần là có thể bãi nhiệm, cho thôi chức được rồi”, ông Lý nêu quan điểm.

Ông Phan Trung Lý:

Ông Phan Trung Lý: "Có thể xem xét bãi nhiệm ngay sau 1 lần bỏ phiếu tín nhiệm". Ảnh: N.H.

Trong phiên họp cách đây gần 10 ngày, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga cho rằng chỉ cần bỏ phiếu đối với chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với việc chỉ bỏ phiếu từ cấp bộ trưởng trở lên. Ông Hùng giao Ủy ban Thường vụ chuẩn bị quy chế cụ thể để thực hiện. Cơ quan này cũng sẽ quyết định việc đưa những ai vào danh sách cần bỏ phiếu.

Cũng trong phiên họp sáng nay, bàn về việc tổ chức phiên họp của Ủy ban Thường vụ, Ban chỉ đạo xây dựng đề án cho rằng, khi trình dự án, báo cáo, cơ quan trình phải nghiêm túc. Nếu gửi tài liệu không đúng thời gian quy định hoặc không đầy đủ thì sẽ không được đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội cũng như phiên họp của Ủy ban Thường vụ…

Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ban chỉ đạo xây dựng đề án cho rằng, không nên lạm dụng việc đóng dấu “Mật” vào hồ sơ, tài liệu. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, chỉ nên đánh dấu mật vào phần phụ lục, hạn chế “Mật” ở phần nội dung.

Các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước, các bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ và toàn bộ nhân sự các cơ quan của Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp.

Nguyễn Hưng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,921

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]