Nhiều cải cách quan trọng trong Luật Doanh nghiệp 2020

19/07/2020 07:46 AM

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đã có nhiều cải cách quan trọng với mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng giới thiệu Luật Doanh nghiệp 2020 tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9

Luật Doanh nghiệp năm 2020 gồm 10 chương, 218 điều.

Chia sẻ về những cải cách quan trọng nhất của Luật này tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã chỉ rõ 05 nội dung cải cách chính của Luật. Cụ thể:

Một là, Luật cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Theo đó, Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”. Đồng thời, thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Hai là, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ động bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu nhà nước. Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100% vốn điều lệ) để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Bốn là, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh. Luật đã bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Năm là, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Luật bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sửa đổi, bổ sung này sẽ nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ 9

Ngoài các nội dung trên, Luật Doanh nghiệp 2020 còn một số điểm mới nổi bật như:

Luật bổ sung thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Quy định rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021. Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh”. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể: “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”.  Như vậy, thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh được rút ngắn từ chậm nhất 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần (CP), công ty hợp danh. Theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Doanh nghiệp 2014./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,835

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]