18/05/2012 11:10 AM

- Vụ phó Vụ Xã hội, VP Trung ương Đảng Lê Hồng Huyên đề xuất vay để cải cách lương, phần vay này coi như một "khoản thế chấp" cho chất lượng công tác của cán bộ, công chức.



Ngày 17/5, UB Các vấn đề xã hội của QH tổ chức ở Hà Nội hội thảo "Thực trạng chính sách lương và giải pháp cải cách".

Cách tính lương ngày càng xa thực tế

Ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Chung Hoàng

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh mức độ bức xúc của câu chuyện lương không những không nguội đi sau khi lương tối thiểu tăng lên 1,05 triệu đồng từ ngày 1/5 mà còn nóng hơn. Đề án tổng thể cải cách tiền lương nhà nước đã không trình được một phương án cụ thể trước Hội nghị Trung ương 5 vừa kết thúc mà phải "khất" đến hội nghị Trung ương 7 năm sau, theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi hay các nghị quyết của Trung ương đều xác định rõ quan điểm "tiền lương phải được xem là giá cả của sức lao động, hình thành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu", nhưng phương pháp để "tính đúng tính đủ" vẫn là một vấn đề đau đầu.

Theo ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhược điểm cơ bản trong việc xác định khoảng cách giữa lương tối thiểu và nhu cầu sống thực tế của người lao động nằm ở việc xây dựng hay điều chỉnh chính sách tiền lương vẫn dựa trên những tiêu chí đã lỗi thời.

Ví dụ, tính toán nhu cầu sinh hoạt tối thiểu vẫn dựa trên "giỏ hàng hoá" của năm 1985, giá cả quá thấp và không còn phù hợp. "Vì thế mà sau bao nhiêu lần điều chỉnh, lương tối thiểu vẫn chưa theo kịp nhu cầu sống tối thiểu thực tiễn của công chức, người lao động", ông Hào nói.

Việc vận hành một hệ thống thang lương, bảng lương cứng trong khu vực nhà nước cũng là một biểu hiện xa rời thực tế, vì trong quan hệ với mức lương ở các khu vực khác, hệ thống này tỏ rõ sự thiếu linh hoạt, mềm dẻo, không khuyến khích được người tài vào hệ thống.

Một bất cập nữa là cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu. "Mỗi lần điều chỉnh là từ người lương thấp nhất đến người lương cao nhất đều được tăng lương", ông Hào phân tích. "Nếu mục đích của lương tối thiểu là đáp ứng mức sống tối thiểu thì đối tượng cần được đảm bảo phải là những người lương thấp, vì những người lương cao chắc chắn đã đảm bảo mức sống tối thiểu rồi".

Ông nhận định cách làm này gia tăng gánh nặng chi trả lương lên ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chia sẻ nhận định này, phân tích rằng lương của khu vực công dựa phần lớn vào ngân sách nên mỗi lần tăng lương là một lần câu hỏi về nguồn được đặt ra.

Vụ phó Vụ Xã hội, VP Trung ương Đảng Lê Hồng Huyên nhận định: "Các đề án chính sách tiền lương đều bị phá sản khi cân đối nguồn lực tài chính. Những người chủ trương cải cách triệt để chính sách tiền lương hoàn toàn hụt hẫng khi nghe cơ quan tài chính công bố cân đối nguồn lực ngân sách".

Bà Mai cho rằng cần có những biện pháp thực sự đột phá trong việc tạo nguồn giải quyết yêu cầu tăng lương công chức.

Vay lương công chức?

Bà Trương Thị Mai trao đổi với các chuyên gia của ILO bên lề hội thảo. Ảnh: Chung Hoàng

Theo bà Mai, khu vực dịch vụ công, hay khu vực sự nghiệp, hiện đang chiếm trên 35% quỹ tiền lương, có thể là nơi đột phá về tạo nguồn. "Với các bước tăng học phí, viện phí, khu vực này có cơ hội cải cách tiền lương nhanh hơn, cũng như có thể lấy nguồn ở đây hỗ trợ cho khu vực hành chính và các đối tượng hưởng lương ngân sách khác".

Chỉ ra ngoài nguồn thu chính là học phí, viện phí, khu vực này còn dựa trên lưới an sinh quan trọng là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do người dân đóng góp, bà Trương Thị Mai nhận định "con đường tiến đến một cơ chế tự chủ" sẽ là cách giúp khu vực này có bước cải tiến nhanh hơn về tiền lương.

Chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Sang Heon Lee gợi ý một giải pháp trong hoàn cảnh hạn chế về nguồn như hiện nay có thể là "chia sẻ thu nhập". "Thu nhập của những người ở vị trí quản lý đang nhận lương cao, có thể giảm hoặc cắt bớt để bù cho thu nhập của những người có lương thấp trong khu vực hành chính", ông Lee nói.

Ông Lê Hồng Huyên cũng góp một ý giải toả "bế tắc trong việc tìm nguồn tài chính để thực hiện cải cách tiền lương".

Ông Huyên chỉ ra rằng, nếu cần thiết, có thể "vay" để cải cách lương. Sau khi cân đối với nguồn tài chính ngân sách có thể đảm bảo được, phần thiếu hụt sẽ vay lại của chính cán bộ, công chức. Phần vay này coi như một "khoản thế chấp" cho chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, "khoản thế chấp" này chính là phần thiếu hụt mà mức lương hiện nay chưa đáp ứng được. Ví dụ, hiện mức lương tối thiểu mới đáp ứng 46,9% nhu cầu sống tối thiểu, thì Nhà nước sẽ vay cán bộ, công chức 53,1%, khi mức lương tối thiểu tăng lên đáp ứng nhu cầu tối thiểu 60% thì vay cán bộ công chức 40%.

"Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ khoản vay này cho cán bộ, công chức khi nghỉ hưu, chết hoặc có nhu cầu chính đáng khác nếu họ hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo vị trí công tác được giao", ông Huyên diễn giải. "Khoản này sẽ bị khấu trừ từng phần tương ứng nếu có các vi phạm hoặc bị các hình thức kỷ luật công vụ, hoặc sẽ bị sung công toàn bộ nếu phạm tội hình sự".

Ông Huyên lạc quan rằng cách làm này vừa giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trong ngắn hạn, không đem lại những tác dụng phụ như tăng CPI, gây lạm phát..., vừa trở thành động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu trong công việc để được hưởng khoản tiết kiệm chính đáng này về lâu dài.

Theo ông Huyên, điều kiện để làm được việc này là tính đúng, tính đủ lương theo vị trí việc làm và một cơ chế vận hành minh bạch, khoa học, công khai.

"Và quan trọng nhất là những người đứng đầu phải có tâm", ông Huyên nói.

Chung Hoàng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,020

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]