Cụ thể, từ 01/01/2021, các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư vào các ngành, nghề sau đây ở nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo pháp luật:
(1) Ngân hàng;
(2) Bảo hiểm;
(3) Chứng khoán;
(4) Báo chí, phát thanh, truyền hình;
(5) Kinh doanh bất động sản.
Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong 05 ngành, nghề quy định nêu trên được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nhà đầu tư đủ điều kiện đầu tư ra nước ngoài được thực hiện hoạt động đầu tư theo một trong các hình thức sau:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Các ngành, nghề nhà đầu tư bị cấm đầu tư ra nước ngoài:
- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định về các ngành, nghề cầm đầu tư kinh doanh tại Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan, đơn cử như: Kinh doanh mại dâm, dịch vụ đòi nợ, pháo nổ, hoá chất...
- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Căn cứ pháp lý: Điều 6, Điều 52, Điều 53 và Điều 54 Luật Đầu tư 2020.
Thùy Liên