Chính sách mới về bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 9/2020
1. Mức hỗ trợ chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN từ ngày 15/9/2020
Từ ngày 15/9/2020, mức hỗ trợ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) khi người lao động bị TNLĐ-BNN theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP có nhiều thay đổi, cụ thể như sau:
STT |
Hình thức hỗ trợ |
Mức hỗ trợ từ ngày 15/9/2020 |
Mức hỗ trợ trước ngày 15/9/2020 |
1 |
Chuyển đổi nghề nghiệp |
Không quá 15 lần mức lương cơ sở |
|
2 |
Khám bệnh nghề nghiệp |
Không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám |
Không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám |
3 |
Chữa bệnh nghề nghiệp |
Không quá 15 triệu đồng/người |
Không quá 10 lần mức lương cơ sở/người |
4 |
Phục hồi chức năng |
Không quá 03 triệu đồng/người/lượt |
Không quá 02 lần mức lương cơ sở/người/lượt |
5 |
Điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN |
100% kinh phí chi cho việc điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN gồm: - Công tác phí cho những người tham gia đoàn điều tra; - Chi phí thuê chuyên gia và phí trưng cầu giám định; - In ấn các tài liệu liên quan đến vụ TNLĐ-BNN. |
100% kinh phí chi cho việc điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về công tác phí, thuê chuyên gia và phí trưng cầu giám định |
6 |
Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động |
- Hỗ trợ huấn luyện lần đầu: + An toàn vệ sinh viên: Không quá 150.000 đồng/người; + Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế: Không quá 300.000 đồng/người; + Người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 600.000 đồng/người; + Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 700.000 đồng/người. - Hỗ trợ huấn luyện định kỳ: Không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu |
- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 01 lần mức lương cơ sở/người; - Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động: Không quá 01 lần mức lương cơ sở/người; - Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn, vệ sinh viên: Không quá 1/4 mức lương cơ sở/người. - Mức hỗ trợ tối đa: 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. |
2. Bãi bỏ 01 quy định tính thời gian công tác trước 01/01/1995 để hưởng BHXH
Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 20/9/2020), trong đó, bãi bỏ quy định tại khoản 7 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, cụ thể:
"Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội
...
7. Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định."
Ngoài ra, quy định Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có trách nhiệm:
- Rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc và các phòng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII;
- Sắp xếp giảm 63 đầu mối cấp phòng của 63 BHXH tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025;
- Sắp xếp giảm BHXH huyện theo Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Châu Thanh