Từ 2021, không được ký Phụ lục để kéo dài, rút ngắn thời hạn HĐLĐ (Ảnh minh họa)
Điều 5 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:
"Điều 5. Sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động
Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động."
Như vậy, hiện hành, người sử dụng lao động và NLĐ có thể giao kết phụ lục HĐLĐ để sửa đổi thời hạn HĐLĐ (bao gồm kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn của HĐLĐ đã giao kết); nhưng chỉ được sửa đổi một lần và đảm bảo không làm thay đổi loại HĐLĐ đã giao kết.
Lưu ý, bên nào có yêu cầu sửa đổi thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về việc sửa đổi thời hạn của HĐLĐ.
Tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) quy định:
"2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực."
Như vậy, từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động và NLĐ không được giao kết phụ lục HĐLĐ để sửa đổi thời hạn của HĐLĐ (bao gồm kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn của HĐLĐ đã giao kết).
Thanh Lợi