Điểm mới Nghị định 115/2020 về tuyển dụng, quản lý viên chức

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
30/09/2020 07:52 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng gửi đến quý khách hàng, tổng hợp điểm mới tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (có hiệu lực từ ngày 29/9/2020).

Tổng hợp điểm mới Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức

Tổng hợp điểm mới Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức (Ảnh minh họa)

1. 05 hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Theo Nghị định 115/2020, hạng chức danh nghề nghiệp là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Căn cứ vào mức độ phức tạp của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp như sau:

- Chức danh nghề nghiệp hạng I;

- Chức danh nghề nghiệp hạng II;

- Chức danh nghề nghiệp hạng III;

- Chức danh nghề nghiệp hạng IV;

- Chức danh nghề nghiệp hạng V (Mới).

Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp; xét chuyển chức danh nghề nghiệp; thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2020 và các quy định pháp luật khác liên quan.

2. Hướng dẫn về hợp đồng làm việc của viên chức

File word mẫu Hợp đồng làm việc của viên chức

- Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Trường hợp viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc.

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng đang thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết, kể cả trường hợp viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác, sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu có thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức thỏa thuận với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về các nội dung thay đổi đó và được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng làm việc hoặc ký kết hợp đồng làm việc mới có những nội dung thay đổi đó.

- Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc, nhưng phải ký kết hợp đồng làm việc mới với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời thực hiện chế độ tiền lương đối với viên chức phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp công lập trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của viên chức.

3. Thêm đối tượng được xem xét tiếp nhận vào viên chức

căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp sau:

(1) Các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng BHXH bắt buộc theo quy định, gồm:

- Người đang là cán bộ, công chức cấp xã.

- Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật.

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

- Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. (Mới)

(2) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

(3) Người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

4. Thời gian được tính vào thời gian tập sự đối với viên chức

Kế thừa quy định tại Nghị định 161/2018, Nghị định 115/2020 quy định thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

Đồng thời có hướng dẫn đối với trường hợp: người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

5. Trường hợp viên chức tập sự được hưởng 100% lương, phụ cấp

Người tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2020 trong các trường hợp sau:

+ Làm việc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (Trước đây quy định làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

+ Làm việc trong các ngành, nghề độc hại, nguy hiểm;

+ Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

6. Mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển viên chức áp dụng từ 29/9/2020

File word mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển viên chức

7. Siết quy định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức tập sự

Nghị định 115/2020 quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trước đây, Nghị định 29/2012 quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

8. Thêm đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển viên chức

So với quy định trước đây, Nghị định 115/2020 đã bổ sung thêm trường hợp được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển viên chức là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.

Bên cạnh đó, Nghị định 115/2020 đã loại bỏ khỏi danh sách ưu tiên 02 đối tượng, đó là con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước) và đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

9. Rút ngắn thời gian giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức

Trước đây, Nghị định 29/2012 quy định thời gian giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức là 20 ngày làm việc, Nghị định 115/2020 rút ngắn còn 05 ngày làm việc, cụ thể:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.

10. Bổ sung hình thức thi viết trong xét tuyển viên chức

Cụ thể tại vòng 2 trong xét tuyển viên chức, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; thực hành; thi viết.

Trước đó, chỉ bao gồm 02 hình thức: phỏng vấn hoặc thực hành.

11. Phân loại viên chức

Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý.

Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

Trước đây, theo chức danh nghề nghiệp, viên chức được phân loại trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp với các cấp độ từ cao xuống thấp, từ hạng I đến hạng IV.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 50,255

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]